Ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch hiệp hội Càphê – cacao Việt Nam (Vicofa), đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ Doanh nghiệp xuất khẩu càphê hàng đầu, cho biết kế hoạch tạm trữ càphê niên vụ 2011 – 2012 hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động làm chứ không phải dựa vào sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Sau khi tính toán, số vốn mua tạm trữ dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng, trong đó 10.000 tỉ đồng dùng vào việc mua càphê của nông dân, 5.000 tỉ đồng còn lại dùng vào kinh doanh.
Niên vụ càphê 2011 – 2012 dự kiến thu hoạch từ đầu tháng 10 tới. Hiện nay giá càphê nhân giảm còn khoảng 45.000 – 46.000 đồng/kg so với hồi giữa năm là trên 50.000 đồng, và đang có xu hướng giảm do những dự báo năm nay Việt Nam và nhiều nước sản xuất càphê lớn trên thế giới vẫn tiếp tục được mùa.
Giá càphê giảm còn do hiện nay, theo tính toán của Vicofa, trên sàn giao dịch London đang tồn khoảng 350.000 tấn càphê robusta niên vụ trước của Việt Nam. Số càphê này, sẽ đảm bảo cho các nhà đầu cơ có thể ép giá càphê Việt Nam khi vào vụ mới, nếu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh bán ra mà không có biện pháp mua tạm trữ lại.
Chính vì vậy, việc mua tạm trữ, theo nhận định của nhóm 22 doanh nghiệp xuất khẩu càphê hàng đầu, sẽ giúp giữ giá ổn định. Hiện nay, với các khoản chi phí đầu vào đều đã tăng khá cao, thì chỉ khi giá duy trì ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg nông dân mới có lợi nhuận.
Theo ông Nam, mục đích của việc tạm trữ lần này là nhằm có lượng tồn kho gối đầu để điều tiết giá mua, giá bán. Khi giá thấp doanh nghiệp sẽ tăng cường mua vào để ổn định giá, khi giá cao sẽ lựa chọn bán ra.
Trước lo ngại có nhiều doanh nghiệp đăng ký nhưng khi giá cao lại không mua vào tạm trữ như các năm trước, ông Lương Văn Tự, chủ tịch Vicofa, cho biết về nguyên tắc, hiệp hội chỉ tạm tính mua tạm trữ 300.000 tấn. Con số này theo dự kiến sẽ tạo ra sự ổn định thị trường ngay từ đầu vụ. Nhưng doanh nghiệp đăng ký mua tạm trữ lên đến hơn 400.000 tấn. Theo ông Tự, nếu có một vài doanh nghiệp nào đó không thực hiện được việc mua tạm trữ thì sản lượng tạm trữ vẫn nằm trong tính toán.
Theo SGTT