Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn cung ngũ cốc khan hiếm, giá cao làm tăng nhu cầu nhập khẩu của Thái Lan
12 | 09 | 2016
Theo USDA, sản xuất ngũ cốc của Thái Lan trong năm 2016/17 duy trì ổn định, với sản lượng gạo dự đoán đạt 17 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2015/16. Sản lượng ngô dự đoán đạt 4,9 triệu tấn, tăng 4% trong cùng giai đoạn so sánh.

Lượng mưa lũy kế tăng lên mức bình thường từ tháng 7/2016, đến nay đã cao hơn 13% so với năm ngoái. Theo báo cáo của USDA, tình hình sản xuất gạo và ngô của Thái Lan rất thuận lợi. Trong khi đó, nguồn cung nước thủy lợi đến muộn tại khu vực đồng bằng trung tâm sẽ dẫn đến sản xuất lúa gạo giảm nhẹ xuống còn 13,8 triệu tấn do nước đến muộn kỳ sản xuất, đặc biệt là tại những nơi đất thấp, cùng với lo ngại lũ lụt sẽ gây thiệt hại cho vụ thu hoạch tháng 11. Tuy nhiên, FAS USDA dự đoán nguồn cung nước đủ vào cuối mùa mưa có thể giúp sản xuất vụ lúa phụ năm 2016/17 tăng lên 3,2 triệu tấn.

Cơ quan Hải quan Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo của nước này nửa đầu năm 2016 đạt khoảng 5 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tăng 20% lượng xuất khẩu gạo trắng lên khoảng 2,8 triệu tấn. Xuất khẩu gạo trắng tăng đã bù đắp sự suy giảm xuất khẩu gạo đồ. Xuất khẩu gạo đồ của Thái Lan giảm khoảng 14% trong cùng kỳ so sánh do nguồn cung gạo trắng vụ mới giảm. Tăng xuất khẩu gạo trắng chủ yếu là nhờ doanh số bán gạo trắng vụ cũ từ các kho gạo chính phủ tăng, báo cáo cho biết Chính phủ Thái Lan đã bán xấp xỉ 3,2 triệu tấn gạo từ các kho gạo dự trữ trong 7 tháng đầu năm 2016.

FAS cho biết dự xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2016 được điều chỉnh tăng lên 9 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với lượng gạo xuất khẩu 9,8 triệu tấn trong năm 2015 do nguồn cung gạo đồ và gạo trắng vụ mới giảm, cạnh tranh mạnh từ Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là từ quý 3/2016. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan có thể giảm tốc hoạt động xả kho gạo dự trữ cho tiêu dùng ở người từ nay đến cuối năm 2016 để tránh áp lực gây giảm giá gạo nội địa trong vụ thu hoạch vào quý 4/2016.

Hiệp hội các nhà sản xuất TACN của Thái Lan duy trì dự báo nhu cầu TACN của nước này ở mức 18,6 triệu tấn trong năm 2016, tăng khoảng 4% so với năm 2015. Ngành TACN Thái Lan phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu TACN nhập khẩu, chiếm xấp xỉ 60% tổn nhu cầu của nước này do sản xuất nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu ngũ cốc cho TACN. Nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu TACN Mỹ của Thái Lan dự đoán tiếp tục khuynh hướng tăng, đặc biệt là đậu tương và bột đậu tương, và DDGS.

Nhập khẩu lúa mỳ năm 2015-16 của Thái Lan cao hơn dự đoán, đạt 4,7 triệu tấn do tăng nhập khẩu lúa mỳ làm TACN lên 3,3 triệu tấn, theo báo cáo của FAS. Nguồn cung ngô và gạo tấm nội địa để trộn thức ăn cho gà và lợn thiếu là nguyên nhân dẫn đến tăng nhập khẩu. Ngoài ra, giá lúa mỳ làm TACN nhập khẩu rẻ hơn 18% so với giá ngô nội địa và 30% so với giá gạo tấm, cũng là động lực thúc đẩy nhập khẩu.

Theo FAS, xuất khẩu ngô năm 2015-16 của Thái Lan cũng cao hơn dự đoán, ở mức 0,4 triệu tấn, chủ yếu cho thị trường Philippines do lợi thế về chi phí vận chuyển so với ngô Mỹ. Nguồn cung ngô xuất khẩu khả dụng tăng do các nhà sản xuất TACN tăng sử dụng lúa mỳ và DDGS nhập khẩu cho sản xuất TACN cho gà do giá tương đối rẻ so với giá ngô nội địa, lần lượt rẻ hơn 18% và 10% trong năm 2015-16. Ngoài ra, do nhu cầu nguyên liệu TACN, đặc biệt là ngô, vượt khả năng sản xuất nội địa do nguồn lực đất nông nghiệp hạn chế và động lực sử dụng giống hiện đại để phát triển giống năng suất cao, so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu TACN hàng năm là 8% trong thập kỷ qua. Kết quả là nhập khẩu nguyên liệu TACN tăng mạnh trong năm 2015-16, đặc biệt là TACN và DDGS cho gà và lợn.

Theo World Grain



Phạm Kim Dung - Biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường