Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bùng nổ “thương mại xám” đẩy nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ 25 triệu USD lên 5 tỷ USD
06 | 02 | 2018
Giống như nhiều thành phố cảng trên thế giới, Hải Phòng – thành phố cảng miền Bắc Việt Nam, có những mặt trái của mình. Trong những năm 1990s, mặt trái đó là những băng đảng giang hồ; nay mặt trái đó là tình trạng buôn lậu, hay còn có tên gọi khác là “thương mại xám” hay “kênh thị trường xám”.

Dựa trên phân tích của Undercurrent News về số liệu và thông tin thương mại quốc tế từ các nguồn tin trong ngành, buôn lậu chính là một trong những nguyên nhân đứng đằng sau mức tăng trưởng nhập khẩu gây kinh ngạc của Việt Nam: từ 25 triệu USD trong năm 2001 lên hơn 5 tỷ USD năm 2016: một mức tăng trưởng kép chưa từng có tiền lệ, lên tới 40%/năm.

Thương mại xám qua kênh này rất nổi tiếng trong ngành thủy sản toàn cầu, ám chỉ phần lớn thủy sản được bốc dỡ tại Hải Phòng rồi chuyên chở tới biên giới với Trung Quốc để tránh thuế hải quan Trung Quốc. Nhưng bất chấp việc hiện Việt Nam là nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Ban Nha, những câu hỏi quan trọng nhất vẫn chưa có lời giải đáp.

Ví dụ như bao nhiêu phần thủy sản nhập khẩu của Việt Nam được tái xuất sang Trung Quốc? Nguồn thủy sản đến từ đâu? Động cơ tài chính của những tay buôn lậu lớn đến cỡ nào? Nếu mục tiêu của buôn lậu là để tránh thuế hải quan, liệu những đợt giảm thuế gần đây của Trung Quốc có tác động nào không? Hơn nữa, liệu có thể kết luận rằng thủy sản này không được gia công để xuất khẩu tại Việt Nam?

“(Tăng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam) chủ yếu xuất phát từ động lực thị trường xám với Trung Quốc”, theo nhận định của Gorjan Nikolik, trưởng bộ phận phân tích thủy sản tại Rabobank, cho biết khi được hỏi một số trong những câu hỏi trên. “Theo tôi được biết thì thủy sản, thịt, rau quả và nhiều sản phẩm khác được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua Việt Nam với mục đích tránh thuế”.

“Tất cả lượng nhập khẩu (tôm) thông qua Hải Phòng đều dẫn tới thị trường Trung Quốc”, một nguồn tin ngành thủy sản từ Thái Lan cho biết, dẫn chiếu tới mặt hàng tôm – mặt hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Phần lớn nhập khẩu qua các cảng khác sẽ xuất đi các thị trường khác, nhưng rất ít lượng thủy sản qua cảng Hải Phòng mà đi thị trường khác ngoài Trung Quốc”.

Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) không phản hồi trước yêu cầu bình luận về chủ đề này, nhưng dữ liệu hải quan Việt Nam ghi nhận con số nhập khẩu thủy sản thấp hơn nhiều – khoảng 1 tỷ USD trong năm 2016 – so với số liệu mà ông Nikolik thu thập. Dữ liệu thương mại trong báo cáo này được cung cấp bởi các cơ quan hải quan của các nước xuất khẩu, không từ Hải quan Việt Nam.

Các động cơ

Tình hình tăng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam là một chỉ báo cho thực trạng nhu cầu tăng vọt tại Trung Quốc – thực trạng mà Rabobank đã ghi nhận trong báo cáo gần đây “China’s changing tides: Shifting consumption and trade position of Chinese seafood”, ông Nikolik nhấn mạnh.

Nhu cầu tăng mạnh đang là miếng mồi béo bở cho hoạt động buôn lậu – với các hoạt động kinh doanh trên “thị trường xám” rất hiệu quả, và có vẻ sẽ hạ nốc ao các nhà nhập khẩu chính thống ngay cả khi Trung Quốc hạ thuế xuống mức tương đối thấp. Theo hãng tư vấn Dezan Shira & Associates mức thuế nhập khẩu hiện nay của Trung Quốc đối với thủy sản nhập khẩu từ những nước được hưởng MFN dao động từ 2 – 17,5%. Vị thế MFN áp dụng cho các thành viên của WTO. Không có vị thế MFN, mức thuế mà Trung Quốc áp cho các sản phẩm thủy sản lên đến 40 – 70%. Trong khi đó, các nước có thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc – các nước ASEAN, New Zealand, Úc, Chile, Iceland, Switzerland, Maldives, Peru, Pakistan, Georgia, Costa Rica và Singapore – được hưởng mức thuế 0% (hoặc đang trong lộ trình tiến về 0%).

Ngoài thuế nhập khẩu, các nhà nhập khẩu phải trả thuế giá trị gia tăng (VAT) 11%. Mức thuế này – vốn đặc biệt áp dụng cho các sản phẩm nông sản dưới mức chuẩn 17% – là mức thuế đã giảm từ 13% từ tháng 7/2017, và được tính trên giá trị ròng của hàng hóa sau khi đã bao tồm thuế nhập khẩu. Ngoài hai loại thuế này, các mức phí áp dụng đối với các sản phẩm tại biên giới Trung Quốc dao động từ 11 – 81%, phụ thuộc vào loại sản phẩm và xuất xứ. VAT phải được thanh toán trong khi giao dịch tại Trung Quốc, qua đó các công ty có thể đòi hoàn thuế dọc theo chuỗi cung ứng nếu nhà cung cấp có thể cung cấp một chứng từ thuế (fapiao). Recardo Benussi, phó giám đốc khu vực của Dezan Shira, cho biết việc “không thanh toán VAT chắc chắn rất rủi ro do các nhà chức trách thuế luôn để ý để đảm bảo thuế được thu và thu đủ”.

Tuy nhiên, theo trang Export.gov, một tổ chức thương mại của Mỹ hỗ trợ các nhà xuất khẩu, nhiều công ty nội địa Trung Quốc không thanh toán thuế VAT. CÁc chi phí ẩn khác đè nặng lên các nhà nhập khẩu chính thống bao gồm chi phí thanh toán một lần cho phê duyệt CIQ để nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc, yêu cầu đối với cả hai bên nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu. Một chủ sở hữu công ty thủy sản tại Trung Quốc giải thích: “Hiện tại, gần như không thể cạnh tranh (với những người buôn lậu) nếu nhập khẩu đàng hoàng, không chỉ vì bạn phải trả thuế VAT và nhập khẩu lên đến 30%, mà còn vì chẳng công ty nào thanh toán thuế, từ nhà nhập khẩu cho tới người tiêu dùng cuối cùng”.

Những người buôn lậu cũng sử dụng “thị trường xám” để đưa những hàng hóa họ không thể tiêu thụ ở đâu khác vào Trung Quốc. Năm 2016, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ các lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ các vùng nước gần Fukushima, được buôn lậu vào Trung Quốc thông qua Việt Nam.

Tất nhiên, buôn lậu cũng có cái giá của nó. “Biên giới không mở nếu không có đút lót”, một nguồn tin tại Thái Lan cho hay. Thời gian vận chuyển dài hơn do phải đi qua Việt Nam cũng làm tăng chi phí. Một phương pháp vận chuyển là dùng sức người để mang vác hàng qua biên giới. Dù vậy, ngay cả các sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn và yêu cầu xử lý vận chuyển khéo léo cũng bị buôn lậu. Năm 2017, một lượng lớn tôm hùm đá sống xuất khẩu từ Úc (thuế 6%) đưcọ vận chuyển qua Việt Nam, dù Trung Quốc mới là thị trường mục tiêu. Trong khi đó, gần như toàn bộ xuất khẩu tôm hùm đá của New Zealand trực tiếp vào Trung Quốc đại lục qua đường chính ngạch do các nhà xuất khẩu tôm hùm đá New Zealand được hưởng thuế 0%.

Buôn lậu là cuộc chơi duy nhất đối với một số nhà xuất khẩu. Cả Iran và Venezuela đều không có giấy phép xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, theo một công ty thủy sản Trung Quốc cho hay. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cả hai nước, nhờ tuyến đường vận chuyển qua Việt Nam. Nhưng tôm tôm hùm đá đều không phải là những sản phẩm duy nhất được buôn lậu vào Trung Quốc từ Việt Nam. Và Iran và Venezuela cũng không phải là 10 nước đứng đầu danh sách này.

Top các sản phẩm thủy sản được buôn lậu vào Trung Quốc từ Việt Nam

Số 1: Tôm (ước giá trị 1-1,7 tỷ USD năm 2016)

Năm 2016, các nước xuất khẩu 5,2 tỷ USD các sản phẩm thủy sản sang Việt Nam (mã HS 03, ngoại từ bột cá và dầu cá, cá ngừ đóng hộp và các sản phẩm cá đóng hộp khác), theo thống kê của ITC, tổ chức thuộc WB, dựa vào dữ liệu xuất khẩu của các nước xuất khẩu.  Mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam là tôm đông lạnh (mã HS 030617), trị giá 2,1 tỷ USD, hay 316.405 tấn.

Top 10 hàng hóa thủy sản nhập khẩu của Việt Nam tính theo giá trị năm 2016

Sản phẩm

Mã HS

Giá trị (triệu USD)

Tấn

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), số liệu dựa trên hải quan các nước xuất khẩu sang Việt Nam

Tôm đông lạnh

030617

2,108

316,405

Cá khác

030389

656

285,719

Tôm hùm đá sống, tươi hoặc ướp lạnh

030621

445

7,961

Mực ống và mực nang đông lạnh

030749

285

94,175

Cá halibut Greenland hoặc Atlantic

030331

239

41,511

Cá hồi Đại Tây dương tươi hoặc ướp lạnh

030214

158

18,160

Cua đông lạnh

030614

106

8,382

Tôm nước lạnh đông lạnh

030616

105

17,843

Cá tuyết đông lạnh

030383

69.8

3,329

Mực ống và mực nang sống, tươi hoặc ướp lạnh

030741

67.7

20,015

 

Đầu năm 2017, Undercurrent News ước tính thị trường xám có giá trị tới 1 tỷ USD nhưng một nguồn ước tính cho rằng giá trị thị trường này có thể cao hơn. “Chúng ta đều biết một phần trong đó sẽ được gia công chế biến cho các thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng phần lớn là dành cho Trung Quốc. Nhưng bao nhiêu trong đó? Cứ cho là 80% dành cho Trung Quốc và 20% dành cho các thị trường khác”, tức tương đương 1,7 tỷ USD trong năm 2016.

Năm 2017, thương mại xám thậm chí có thể tăng mạnh hơn, khi xuất khẩu tôm từ Ecuador – nước cung cấp tôm lớn nhất của Việt Nam – tăng 15% so với năm 2016 lên 426.000 tấn, theo số liệu gần đây nhất từ Cơ quan Thủy sản Quốc gia, với hơn một nửa trong số này có điểm đến là châu Á, về cơ bản là Việt Nam. Các lô hàng xuất khẩu lớn từ Ấn Độ cũng đang xuất sang Việt Nam, chủ yếu để gia công tái xuất, nhưng cũng thông qua cảng Hải Phòng, theo nguồn tin từ Ấn Độ cho hay.

Số 2: Tôm hùm đá sống, tươi hoặc ướp lạnh (giá trị ước 400 triệu USD năm 2016)

Trong một tình thế không mấy đẹp mặt cho các công ty thủy sản lớn nhất của Úc, sau Ecuador và Ấn Độ, Úc là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2016. Tôm hùm đá là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất của Úc. Trong năm 2016, Úc xuất khẩu tôm hùm đá trị giá 425,8 triệu USD (mã HS 030621) sang Việt Nam. Năm 2017, các nguồn tin của Undercurrent News cho biết hơn 95% tôm hùm sống xuất sang Việt Nam là để tìm đường sang thị trường Trung Quốc.

Mức thuế Trung Quốc áp cho tôm hùm đá sống của Úc giảm từ 6% xuống còn 3% từ ngày 1/1/2018. Năm 2019, mức thuế này sẽ giảm xuống 0%. Theo Andrew Ferguson, giám đốc điều hành một doanh nghiệp kinh doanh tôm hùm đá tại Úc, hiện ông đang bán hàng trực tiếp vào thị trường Trung Quốc. “Với FTA, thuế nhập khẩu giảm xuống mức thấp nên tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch”.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2017, Úc vẫn xuất khẩu 395,9 triệu đô la ÚC các sản phẩm tôm hùm đá sang Việt Nam và chỉ 116,4 triệu đô la Úc mặt hàng này sang Trung Quốc, theo dữ liệu ITC. Mức thuế 0% có thể làm tăng thương mại chính ngạch. “Lợi thế lớn nhất của FTA với Trung Quốc là đảm bảo nguồn cung sản phẩm chất lượng cao từ Úc”.

Top 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất sang Việt Nam năm 2016

Xuất xứ

Giá trị (triệu USD)

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), số liệu dựa trên hải quan các nước xuất khẩu sang Việt Nam

Ấn Độ

1,266

Ecuador

1,110

Úc

493

Hong Kong

315

Na Uy

219

Indonesia

193

Thái Lan

190

Đan Mạch

150

Nhật Bản

144

Malaysia

121

 

Số 3: Cá tra (ước trị giá 300 triệu USD năm 2017)

Theo số liệu xuất khẩu mà Việt Nam ghi nhận, trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) đã vượt kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ về giá trị, chạm mốc 288 triệu USD. Số liệu ghi nhận tại Trung Quốc cho thấy cá tra đang là lựa chọn ưa thích của ngành dịch vụ ẩm thực khổng lồ của Trung Quốc, vượt qua cả cá rô phi bản địa. “Không nghi ngờ gì cả, giá cá tra hiện đang thấp nhất thị trường (Trung Quốc). Giá thấp là lý do lớn nhất để ngành kinh doanh ẩm thực sử dụng cá tra”, theo Cui He, chủ tịch Liên minh Marketing và Chế biến Thủy sản Trung Quốc, cho hay. “Giá các loại cá tại Trung Quốc, như cá rô phi, hiện đang ở mức tương đối cao”.

Ông Cui và các nguồn tin nội ngành khác cho biết phần lớn cá tra được nhập lâu: theo báo cáo từ các đợt triệt phá buôn lậu gần đây nhất, trong số các trường hợp, có một trường hợp xảy ra đối với một trong những công ty nhập khẩu cá tra lớn nhất Trung Quốc, được cho là đã buôn lậu 41.000 tấn các sản phẩm cá tra, trị giá 98,6 triệu USD. Các sản phẩm cá tra này sau đó đã được các nhà chức trách địa phương đấu giá.

Số 4: Cá halibut Greenland (ước đạt 200 triệu USD năm 2016)

Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 41.511 tấn, trị giá 239 triệu USD cá halibut Greenland đông lạnh (mã HS 030331), đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất của loại thủy sản này.

Một nhà nhập khẩu và gia công chế biến lớn của Trung Quốc đang cung cấp cho các nhà bán lẻ cho biết ông không thể bán cá halibut với giá cạnh tranh trên các thị trường bán buôn do vấn đề buôn lậu. “Các nhà cung cấp lựa chọn bán cá (halibut Greeland) sang Trung Quóc để có giá tốt hơn. Rất khó cho các công ty như chúng tôi có thể mua khối lượng lớn ở mức giá mà Việt Nam có thể trả cho các nhà cung cấp, ngay cả khi chúng tôi đang nỗ lực bán cho những người tiêu dùng cuối cùng”.

Hai nguồn tin của Undercurrent News tại châu Âu cho biết họ có biết về việc cá halibut Greenland được vận chuyển tới Việt Nam nhưng là để phục vụ thị trường Trung Quốc. “Trong nhiều năm, lượng giao dịch như vậy rất lớn nhưng chẳng có bên nào có động thái ngăn chặn, kể cả Trung Quốc. Có thể có khoảng 10 – 20% được chế biến tại Việt Nam nhưng phần còn lại là cho tiêu dùng nội địa. Khoảng 200 triệu USD cá halibut Greenland xuất sang Việt Nam nhưng thực tế điểm đến cuối cùng là Trung Quốc trong năm 2016”.

Năm 2016, Đan Mạch là nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu 128,3 triệu USD, theo số liệu ITC. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá halibut của Đan Mạch sang Việt Nam giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016. Polar Seafood and Royal Greenland, một trong số các công ty khai thác và cung ứng cá halibut Greenland lớn nhất không phản hồi về yêu cầu bình luận. “Tôi không thể bán buôn cá halibut bởi giá thành hợp pháp của loại cá này luôn cao hơn giá bán trên thị trường bán buôn. Những gì tôi có thể làm hiện nay là gia công chế biến đóng gói bán lẻ và bán trực tiếp vào các siêu thị”, theo nhà phân phối tại Trung Quốc cho biết.

Số 5: Cá hồi Đại Tây Dương nguyên con, sống hoặc ướp lạnh (ước đạt 130 triệu USD, năm 2016)

Việt Nam đã nhập khẩu 18.160 tấn cá hồi Đại Tây Dương trong năm 2016, trị giá 158 triệu USD (mã HS 030214). Na Uy đã xuất khẩu 17.509 tấn cá hồi này sang Việt Nam, hiện là nhà cung cấp lớn nhất.

Xuất khẩu cá hồi sang Việt Nam ở mức cao diễn ra tương quan với các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết một lượng lớn cá hồi sống được buôn lậu vào Trung Quốc ở mức giá thấp. Ngược lại, Na Uy chỉ xuất khẩu 6.922 tấn cá hồi sang nước láng giềng Thái Lan trong cùng kỳ so sánh, theo số liệu ITC ghi hận, một thị trường có nền kinh tế gấp 4 lần Việt Nam.

Các nhà xuất khẩu cá hồi Na Uy – phần lớn bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 – đang dần tiến tới việc nối lại thương mại trực tiếp với Trung Quốc trong năm 2018. Tại Triển lãm Thủy sản và Nghề cá tại Thanh Đảo tháng 11/2017, một nguồn tin ngành thủ sản Na Uy cho biết lượng cá hồi tươi đang được xuất mạnh sang các thành phố cấp 2 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Sigmund Bjorgo – giám đốc Hội đồng Thủy sản Na Uy tại Trung Quốc – cho biết thương mại với Trung Quốc vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường bởi những chướng ngại vật lớn trong các cuộc đàm phán giữa hai nước.

Số 6: Cá tuyết Patagonian (ước tính 65 triệu USD năm 2016)

Sự ưa chuộng của Trung Quốc đối với cá tuyết – một trong những loại cá đắt đỏ nhất – khiến thị trường Trung Quốc, cùng với thị trường Mỹ, trở thành thị trường lớn cho Chile và Úc, các nhà cung cấp lớn nhất.

Tháng 11/2017, báo cáo ngành thủy sản Trung Quốc Foodspath China đưa ra ước tính rằng 2/3 lượng cá tuyết trên thị trường Trung Quốc là từ nguồn buôn lậu. Foodspath China sau đó đã hỗ trợ cuộc điều tra của hải quan Trung Quốc gần đây, sau những thông tin trong bài viết của họ.

Các loại thủy sản khác

Đối với các loại thủy sản trên, mặc dù có những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy điểm đến cuối cùng là Trung Quốc nhưng không thể xác định bao nhiêu trong số các sản phẩm khác cũng được nhập khẩu với lượng lớn vào Việt Nam nhưng sau đó để xuất sang Trung Quốc.

Nhóm này bao gồm các loại thủy sản nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nằm trong nhóm cá đông lạnh khác, không thuộc bất cứ nhóm nào khác (mã HS 030389). Theo phân tích thị trường của ITC, nhóm này ám chỉ các sản phẩm cá đong lạnh không thuộc bất cứ mã HS nào, như cá hồi, cá rô phi, cá ngừ, cá trích, cá thu,… Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 285.719 tấn thủy sản thuộc nhóm này, trị giá 656 triệu USD.

Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn mực nang và mực ống (mã HS code 030749 và 030741). Một nguồn tin cho biết phần lớn lượng thủy sản này đến từ Ấn Độ.

Theo Undercurrent News (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường