Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới tháng 2/2007
28 | 08 | 2007
Giá đường giảm nhẹ trong tháng 2/2007; Nguồn cung đang tăng, nhu cầu đường chậm lại; Dự báo giá sẽ ổn định trong tháng 3/2007 do giá dầu mỏ tăng
Giá đường thế giới tiếp tục giảm trong tháng 2/2007, song với tốc độ chậm dần lại so với mấy tháng trước đó. Nguyên nhân giá giảm chủ yếu do các nước nhập khẩu lớn, trong đó có Nga, chưa tham gia vào thị trường, trong khi nguồn cung đang tăng dần lên. Giá đường thô tại New York giảm từ 10,94 US cent/lb xuống 10,64 US cent/lb, trong khi đường thô tại London giảm 1,4 USD/tấn xuống 320,8 USD/tấn. Việc chính phủ Ấn Độ quyết định cho phép các nhà máy nhập khẩu đường thô xuất khẩu đường trắng cũng tác động tới thị trường đường.
Nguồn cung đường thế giới đang tăng lên. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường thế giới sẽ dư thừa khoảng 1- 3 triệu tấn đường trong niên vụ 2006/07, bởi sản lượng sẽ đạt khoảng 154,37 triệu tấn trong niên vụ 2006/07 trong khi tiêu thụ chỉ khoảng 151,04 triệu tấn. Sản lượng đường của nhiều nước dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2006/07 so với năm trước.  ISO dự báo sản lượng của Braxin và Ấn Độ sẽ tăng lên, của Thái Lan, Trung Quốc và Đông Âu sẽ hồi phục, nên sản lượng trên toàn cầu sẽ gần tương ứng với mức tiêu thụ, mặc dù sản lượng của Liên minh châu Âu sẽ giảm xuống. Ấn Độ sẽ nổi lên thành nước xuất khẩu đường lớn trong năm 2006/07, với sản lượng dự kiến đạt kỷ lục cao, 22,7 triệu tấn, tăng 19,4 triệu tấn so với niên vụ 2005/06, trong đó lượng dư thừa dành cho xuất khẩu sẽ là 3,5-4 triệu tấn. Sản lượng đường Trung Quốc, nước sản xuất lớn thứ 2 ở châu Á, dự báo sẽ tăng mạnh trong niên vụ này, thêm 15% so với niên vụ trước, lên 11,1 triệu tấn. Sản lượng của Thái Lan cũng sẽ tăng từ 4,8 triệu tấn lên 5,8 - 5,9 triệu tấn, của Indonexia sẽ tăng tới 2,3 triệu tấn, so với 2,25 triệu tấn năm trước. Thời tiết tốt cho vụ mùa củ cải đường sẽ làm tăng sản lượng ở khu vực Tây và Trung Âu. Riêng sản lượng đường thô Cuba năm 2007 dự báo sẽ tăng 32% so với năm trước, đạt 1,6 triệu tấn. Trong vài năm qua, Cuba đã nhập khẩu một khối lượng nhỏ đường trắng chất lượng thấp, tuy nhiên trong năm 2007 nước này dự kiến sẽ không nhập đường chất lượng thấp nếu giá không thấp hơn so với đường tinh luyện nội địa.
Trong khi sản lượng tăng mạnh, nhập khẩu và tiêu thụ của nhiều thị trường tăng chậm lại. Tiêu thụ ở Nga, nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới, sẽ giảm xuống 5,55 - 5,65 triệu tấn đường trắng trong năm 2007 so với 5,65 triệu tấn năm 2006 do dân số giảm. Dự kiến, Nga sẽ sản xuất kỷ lục 3,3 triệu tấn đường củ cải niên vụ 2006/07, tăng 32% so với niên vụ 2005/06. Nhu cầu nhập khẩu đường của nhiều nước châu Á cũng giảm xuống. Indonesia - nước tiêu thụ đường lớn nhất Đông Nam Á- có khả năng giảm một nửa lượng đường nhập khẩu trong năm 2007 nhờ sản lượng đường trong nước tăng lên 2,48 triệu tấn so với 2,24 triệu tấn năm 2006, trong khi tiêu thụ khoảng 2,6 triệu tấn. Pakistan cũng đang có kế hoạch cắt giảm một nửa lượng đường nhập khẩu trong niên vụ 2006/07, nhờ sản lượng đường của nước này dự đoán đạt 3,3-3,5 triệu tấn, tăng 35% so với vụ trước.
Thị trường đường thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Braxin. Nhu cầu đối với ethanol - nhiên liệu sản xuất từ mía - của Braxin sẽ đóng vai trò lớn cho việc xác định giá đường thế giới.  Dự báo giá đường sẽ biến động mạnh trong những tháng tới còn do sự tham gia của các quỹ đầu tư. Giá dầu thô thế giới tăng cao trong hai năm qua đã khuyến khích mối quan tâm của quốc tế đối với các nhiên liệu sinh học thay thế sản xuất từ các nguồn có thể thay mới, trong đó có ethanol - sản phẩm được chưng cất từ mía tại Braxin. Braxin hiện có ngành sản xuất ethanol phát triển mạnh và đang thúc đẩy xuất khẩu ethanol. Khoảng ½ trong khối lượng mía của Braxin được phân bổ để sản xuất ethanol.
Dự báo giá đường thế giới sẽ vững ở mức hiện nay trong tháng 3/2007 bởi giá dầu thô đang tăng lên, sẽ làm tăng nhu cầu ethanol.
 



Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường