Từ ngày 1/4/2019, Indonesia sẽ giảm 98.160 tấn xuất khẩu cao su trong vòng 4 tháng tới, trong khi Malaysia cắt giảm 15.600 tấn và Thái Lan, nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, cắt giảm 126.240 tấn từ ngày 20/5.
Lãnh đạo cơ quan phát triển và đánh giá thương mại thuộc Bộ Thương mại Indonesia Kasan Muhri cho rằng động thái này là một phần trong Cơ chế Lượng xuất khẩu đồng thuận thứ 6 (AETS) của ITRC, nhằm giảm tổng cộng 240.000 tấn cao su xuất khẩu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi giá cao su để đảm bảo lợi nhuận tốt hơn cho nông dân. Đồng thời, các nhà xuất khẩu từ Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo) sẽ giúp giám sát hoạt động cắt giảm xuất khẩu cao su”.
Giá cao su thế giới đang duy trì ổn định ở mức 1,4 USD/kg sau khi tụt xuống dưới 1,2 USD/kg vào năm 2018. Với AETS, giá cao su dự báo tăng lên hơn 1,5 USD/kg, với khả năng chạm mức 2 USD/kg, ông Kasan lạc quan nhận định.
Tổng thư ký Hợp tác kinh tế Quốc tế của Văn phòng Bộ Điều phối Kinh tế Rizal Affandi Lukman cho biết chính phủ sẽ mở rộng thị trường nội địa cho cao su tự nhiên, như sử dụng vật liệu tổng hợp cho xây dựng đường và sản xuất lốp xe. “Chúng tôi tin thị trường nội địa có khả năng hấp thụ lượng cao su này”, ông Rizal phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn.