Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường Cao su tháng 11/2018
01 | 12 | 2018
Bản tin phân tích thị trường Cao su tháng 11/2018

Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11/2018 đạt 174,8 nghìn tấn với giá trị đạt 219 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,37 triệu tấn và 1,87 tỷ USD, tăng 13,2% về khối lượng nhưng giảm 6,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 67%, 7% và 4% trong tổng giá trị xuất khẩu cao su. Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng mạnh ở các thị trường Ấn Độ (tăng 62,1%), Nhật Bản (206,9%), Nga (7,7%).

Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 11/2018 ước đạt 46 nghìn tấn với giá trị đạt 94 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt 543 nghìn tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, tăng 8,8% về khối lượng và 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Năm thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 10 tháng đầu năm 2018 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Campuchia chiếm 62,2% thị phần.

Hiện giá cao su trên thế giới đang chịu áp lực giảm do: (i) thị trường thiếu các yếu tố hỗ trợ giá cao su; (ii) giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh; (iii) căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc có tác động rõ hơn đối với xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc. Giá xuất khẩu cao su bình quân tháng 11/2018 của Việt Nam ước đạt 1.252 USD/tấn, giảm 3,17% so với tháng 10/2018 và giảm 14,5% so với tháng 11/2017. Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.393 USD/tấn, giảm 20 % so với cùng kì năm 2017. Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su tháng 11 không biến động so với tháng 10. Tại Đồng Nai, giá mủ giữ ổn định ở 12.000 đồng/kg.

Trong ngắn hạn, giá cao su thế giới dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức thấp do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa được giải quyết và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới do nhu cầu thấp từ thị trường xuất khẩu cao su chủ chốt là Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Lưu ý:

Trong ngắn hạn, giá cao su thế giới dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức thấp do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa được giải quyết và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới do nhu cầu thấp từ thị trường xuất khẩu cao su chủ chốt là Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Theo IPSARD/MARD



Báo cáo phân tích thị trường