Ông Jon Jacob, nhà kinh tế học cấp cao tại ANRPC Kuala Lumpur, cho rằng thị trường đã phản ánh các yếu tố nguồn cung, được cho là cao hơn so với nguồn cung thực. Bất cứ sự cải thiện về giá nào cũng có thể châm ngòi cho một lượng cung tăng ồ ạt ra thị trường để tận dụng cơ hội giá phục hồi. Ông Jacob tham gia nhóm họp ngành cao su Ấn Độ tại Kochi vừa qua, cho biết tình hình giá cao su bất lợi cho sản xuất sẽ tiếp diễn ít nhất cho tới năm 2021 – 2022. Động lực trồng mới và tái canh đã chậm lại đáng kể từ năm 2013. So với diện tích trồng mới và tái canh lên tới 676.000ha tại các nước sản xuất, bao gồm Ấn Độ, trong năm 2012, con số này giảm xuống còn 197.000ha năm 2017.
Tác động của giảm trồng mới và tái canh
Do diện tích trồng mới và tái canh liên tục giảm từ năm 2013 đến nay do giá cao su thấp, ông Jacob cho rằng lượng cây cao su sẵn sàng cho cạo mủ vào năm 2022 sẽ ít hơn hiện nay, xét đến giai đoạn 7 năm trưởng thành để bắt đầu cho mủ của cây cao su.
Ông Jacob chỉ ra rằng giá dầu thô đang tăng trong năm 2018 không có bát cứ tác động tích cực nào lên giá cao su. Sự phụ thuộc của thị trường cao su tự nhiên lên thị trường dầu thô phần lớn liên quan đến vấn đề đầu cơ, thay vì sản phẩm thay thế là cao su tổng hợp. Các nhà đầu tư mang tính đầu cơ thường tin rằng giá dầu thô cao dẫn đến giá cao su tổng hợp tăng, dẫn đến sự thay thế trên quy mô lớn cao su tự nhiên bằng cao su tổng hợp nên sẽ làm tăng giá cao su tự nhiên. Tuy nhiên, hiện họ ý thức được tồn kho cao su tự nhiên ở mức cao trong các nhà kho của Sàn giao dịch Thượng Hải. Mức tồn kho cao bất thường lên tới kỷ lục 591.599 tấn, liên tục gây áp lực lên tâm lý thị trường.
Tiêu dùng cao su tự nhiên tại Trung Quốc chậm lại và những lo ngại liên quan đến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang giáng mạnh một cú lên ngành sản xuất lốp xe ô tô Trung Quốc. Sự giảm giá mạnh của các đồng nội tệ tại các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn càng khiến giá cao su xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn.
Ông Jacob cho rằng sản xuất cao su thế giới đã tăng 6,6% lên 10,39 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2018 và dự báo tổng sản lượng cao su tự nhiên thế giới năm 2018 đạt 13,89 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu dùng cao su tự nhiên cũng tăng 6,6% lên 10,65 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2018 và dự báo đạt 14,21 triệu tấn trong cả năm.
Triển vọng dài hạn tích cực
Trong khi đó, khả năng thâm hụt cung – cầu ngày càng nới rộng trong tương lai có thể sẽ bắt đầu đẩy giá cao su tự nhiên tăng trong 5 – 6 năm tới và diễn biến tăng giá có thể kéo dài sang thập niên 2030, theo nhận định của ông Hidde Smit, nhà tư vấn về phân tích và dự báo của Rubber Economy, Hà Lan và nguyên tổng thư ký Inter National Rubber Study Group (IRSG), Singapore. Phát biểu về chủ đề “Dự báo giá cao su” trong hội thảo tại Ấn Độ vừa qua, ông cho rằng tình hình thặng dư cao su hiện nay có thể chuyển sang thâm hụt, trong khi tiêu dùng vẫn giảm. Diễn biến này có thể sẽ tác động tích cực lên giá nhưng không nhiều. “Giá cao su tự nhiên có thể tăng lên mức 1,8 – 2 USD/kg đến năm 2025 và sau đó”.
Thị trường hiện đang dư cung do diện tích trồng mới và tái canh tăng liên tục trong giai đoạn 2005 – 2013, thời điểm giá cao su tăng mạnh và sản lượng cao su sẽ đạt đỉnh vào năm 2022 – 2023. Nguồn cung cao su dài hạn phụ thuộc và mức độ chặt, tái canh và trồng mới trong 5 – 10 năm tới. Tuy nhiên, xu hướng thặng dư sản xuất – tiêu dùng hiện nay sẽ tiếp diễn trong tương lai gần; sau đó, tình trạng thâm hụt sẽ diễn ra nếu nguồn cung giảm. Ông Smit cho rằng trọng tâm trong thời gian tới nên là chặt và tái canh với chính sách trợ cấm của chính phủ nhằm đảm bảo đủ nguồn cung.
Phát biểu trong một chủ đề khác “Một ngành cao su bền vững”, ông John Heath, giám đốc Latex Services and Sustainability, Corrie Macoll International, Anh, cho biết các tác nhân trong ngành cao su nhên chấp nhận và thuận theo thực tế rằng thách thức bền vững đang tích lũy động lực. Đây là cơ hội cho những ai tự biết khác biệt hóa chính mình.
Theo The Hindu Business Line