Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giống lúa chủ lực cho ĐBSCL: Vang danh OM xuất khẩu
23 | 07 | 2019
Trên vùng đất lúa rộng lớn ĐBSCL từng là nơi ngự trị lâu đời của khoảng 600 giống lúa mùa địa phương, canh tác trên vùng nước sâu, lúa nổi.

Từ năm 1977 Viện Lúa ĐBSCL thành lập đến nay, Viện bắt đầu lai tạo theo định hướng “Lúa cao sản ngắn ngày, trồng trước và sau lũ” và nhanh chóng chuyển giao cho nông dân SX, giải quyết đòi hỏi bức thiết về an ninh lương thực của cả nước.

Bộ giống lúa OM giúp nông dân SX đạt năng suất cao, tạo sản lượng lúa hàng hóa gia tăng thần kỳ.  

Bộ giống lúa OM cao sản nổi tiếng

Từ thập niên 1980 về trước, ĐBSCL có 1,7 - 2 triệu ha canh tác lúa, chủ yếu là lúa mùa một vụ (thời kỳ này mỗi năm nước ta phải nhập khẩu lương thực khoảng 2 triệu tấn). Do vậy chuyển sang thâm canh tăng 2 vụ với giống lúa cao sản dù lúc đó chiếm 30 - 40% đã tạo bước ngoặt lớn. Nông dân chọn sử dụng nhóm giống có thời gian sinh trưởng 110 - 120 ngày, tiếp đến 105 - 110 ngày và gần đây là cực ngắn 90 - 100 ngày. Các giống lúa mới ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh vượt trội, nông dân hài lòng với những vụ mùa bội thu.

Dấu mốc từ giống lúa OM80 (nguồn gốc IR36/IR5853-229) mang tên OM (Ô Môn, trụ sở Viện Lúa đóng) do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo được công nhận chính thức vào năm 1988. Lần lượt sau đó nhiều giống lúa mới mang tên OM ra đời và chỉ trong thời gian ngắn đáp ứng cho nhu cầu SX lúa ở ĐBSCL.

Đến nay Viện Lúa chọn tạo được trên 180 giống lúa và phát triển trên 180 giống lúa các loại. Trong đó có 82 giống được công nhận giống quốc gia. Trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước, Viện Lúa đóng góp 5 giống. Đặc biệt riêng ĐBSCL, vùng SX lúa trọng điểm cả nước, theo số liệu Bộ NN-PTNT (năm 2018), các giống lúa OM được gieo trồng trên 70% diện tích đất lúa trong mỗi vụ, chiếm sản lượng lớn nhất trong xuất khẩu gạo.  

Giống lúa OM chất lượng cao

Vào thời kỳ cuối thập niên 1980 khi Việt Nam tái tham gia thị trường XK gạo thế giới, xu hướng chọn tạo giống lúa thích nghi theo mỗi tiểu vùng SX ở ĐBSCL, cho năng suất cao, phẩm chất gạo trung bình. Trong đó dễ nhận ra sức sống mãnh liệt của giống OM576, thời gian sinh trưởng 120 - 125 ngày, chịu khô hạn và mặn khá, trở thành giống chủ lực của bán đảo Cà Mau và Đông Nam Bộ trong nhiều năm và cho đến nay vẫn được nông dân sản xuất bán gạo chợ nội địa với nhiều tên gọi: OM576, Hầm Trâu, Siêu Hầm Trâu.

Trong hơn 10 năm qua, thị trường gạo XK chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng. Gạo cấp thấp khó bán, thay vào đó các giống lúa có phẩm chất gạo ngon cơm tăng lên rõ rệt. TS Huỳnh Văn Nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Cơ cấu nhóm giống lúa chính đang được nông dân ưu tiên chọn lựa SX phải đáp ứng được 2 yêu cầu: Phù hợp vùng đất SX tại địa phương, năng suất khá cao, khả năng chống sâu bệnh tốt và nhất là được thương lái, doanh nghiệp đặt hàng, thu mua.

Do vậy nhóm các giống lúa OM chất lượng cao đang rất được thị trường SX trong vùng lựa chọn hàng đầu như: OM55451, OM6976, OM9577, OM4218, OM11735, OM8959, OM3673, OM9582… Đặc biệt trong 3 năm gần đây sự tham gia nhóm giống lúa mới như RVT, Đài Thơm 8 có phần lấn chiếm một vài giống lúa thơm nhẹ như Jasmine trong vụ ĐX.

Tuy nhiên, riêng giống lúa OM5451 vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu với diện tích, sản lượng lớn theo nhu cầu XK. Đây là giống lúa được các tỉnh giáp hai bên vùng biên giới Campuchia - Việt Nam trồng nhiều trong vụ HT. Chất lượng gạo ngon, hạt dài thông dụng nên không lo lắng khâu tiêu thụ. Dù thị trường XK gặp khó vẫn được người tiêu dùng tại thị trường nội địa chọn làm nguồn lương thực chính trong gia đình.

Một số giống lúa OM chất lượng cao chủ lực

Giống OM5451

Nguồn gốc tổ hợp lai Jasmine85/OM2490 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Lúa ĐBSCL, có thời gian sinh trưởng: 93 - 100 ngày (lúa cấy), 88 - 95 ngày (lúa sạ); chiều cao cây 85 - 95cm; đẻ nhánh tốt, dạng hình đẹp; độ cứng cây: cấp 1; số bông/m2: 280 - 320 bông; số hạt chắc/bông: 90 - 120 hạt; khối lượng 1.000 hạt: 25 - 26 gam. Năng suất vụ ĐX 6,0 - 8,0 tấn/ha và vụ HT 4,0 - 6,0 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức: 80 - 82%; gạo trắng: 73 - 75%; gạo nguyên: 45 - 50%. Tỷ lệ gạo bạc bụng (cấp 9): 3 - 4%; chiều dài hạt gạo: 7,0 - 7,1 mm; tỷ lệ D/R: 3,3. Độ trở hồ: cấp 1; độ bền gel: 85 - 90mm; hàm lượng amylose: 17 - 18%. Hạt gạo đẹp, cơm trắng, mềm, dẻo và ngon. Tính chống chịu: Hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 4), hơi kháng với rầy nâu (cấp 3). Tính thích nghi: Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái đất phèn ở ĐBSCL.

Giống OM6976

Nguồn gốc từ tổ hợp lai IR68144/OM997//OM2718///OM2868 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. Đặc tính nông học: Thời gian sinh trưởng: 100 - 105 ngày (lúa cấy), 95 - 97 ngày (lúa sạ); chiều cao cây: 100 - 110cm; khả năng đẻ nhánh tốt; dạng hình đẹp; cứng cây: cấp độ 1; số bông/m2 đạt từ 290 - 320 bông; số hạt chắc/bông: 150 - 200 hạt; khối lượng 1.000 hạt: 26 - 27 gam. Năng suất vụ ĐX 6,0 - 9,0 tấn/ha và vụ HT 4,0 - 6,0 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức: 78 - 79%; gạo trắng: 67 - 70%; gạo nguyên 45 - 58%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 10 - 12%; chiều dài hạt gạo: 7,1 mm; tỷ lệ D/R: 3,1. Độ nở hồ: cấp 2; độ bền gel: 45 - 50 mm; hàm lượng amylose: 24 - 25%. Hàm lượng sắt trong gạo cao (7 mg/kg gạo trắng). Hạt gạo đẹp, thon dài, ít bạc bụng. Tính chống chịu: Hơi kháng với đạo ôn (cấp 4), rầy nâu (cấp 3), ít bị bệnh VL-LXL, chịu mặn  3 - 4‰, chịu phèn khá tốt. Tính thích nghi: Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL.

Giống OM9577

Nguồn gốc từ tổ hợp lai OM6976/OM5472, được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. Đặc tính nông học: Thời gian sinh trưởng: 102 - 107 ngày (lúa cấy), 97 - 102 ngày (lúa sạ); chiều cao cây: 95 - 105 cm; khả năng đẻ nhánh tốt; dạng hình đẹp; bông to, chùm; độ cứng cây: cấp 1, số bông/m2: 300 - 330 bông/m2, số hạt chắc/bông: 100 - 130 hạt, khối lượng 1.000 hạt: 28 - 29 gam. Năng suất vụ ĐX 7,0 - 8,0 tấn/ha và vụ HT 5,0 - 6,0 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức: 77 - 78%; gạo trắng: 67 - 68%; gạo nguyên 46 - 48%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 3 - 5%; chiều dài hạt gạo: 7,1 - 7,2 mm; tỷ lệ D/R: 3,3. Độ bền gel: 55 - 60mm; hàm lượng amylose: 23 - 24%. Hạt gạo trong, thon dài, ít bạc bụng, cơm trắng, mềm, đạt tiêu chuẩn XK. Tính chống chịu: Hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 5), hơi kháng với rầy nâu (cấp 4), chịu mặn với nồng độ muối 3 - 4‰. Tính thích nghi: Khả năng thích nghi rộng, từ vùng phù sa đến vùng nhiễm phèn, mặn.

Theo nongnghiep.vn



Báo cáo phân tích thị trường