Theo ông Nguyễn Xuân Dương, trước đây, nhằm khắc phục tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi, bên cạnh việc cấm sử dụng khánh sinh trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) với mục đích kích thích sinh trưởng (đã quy định trong Luật Chăn nuôi), Bộ NN-PTNT dự định sẽ loại bỏ việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong TĂCN vào năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi ở Việt Nam lại chưa cho phép thực hiện được điều này vào năm 2020. Bởi tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao, số hộ tham gia chăn nuôi rất đông, mức độ đảm bảo an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi còn thấp, khí hậu nóng ẩm khiến cho bệnh tật dễ phát sinh trên vật nuôi, đường biên giới quốc gia quá dài nên nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài là rất cao…
Chính vì vậy, việc loại bỏ kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong TĂCN cần phải có một lộ trình thực tế hơn. Theo đó, với thuốc thú y chứa kháng sinh thuộc nhóm đặc biệt quan trọng trong điều trị nhân y (theo WHO), thì thời gian được phép sử dụng trong TĂCN là đến hết ngày 31/12/2020.
Với thuốc thú y chứa kháng sinh thuộc nhóm rất quan trọng trong điều trị nhân y, thời hạn sử dụng trong TĂCN là hết ngày 31/12/2021.
Với thuốc thú y chứa kháng sinh thuộc nhóm quan trọng trong điều trị nhân y, kéo dài thời gian sử dụng đến hết 31/12/2022. Còn thuốc thú y chứa kháng sinh không thuộc 3 nhóm trên, thời gian sử dụng đến 31/12/2025.
Để chuẩn bị loại bỏ dần việc sử dụng những nhóm thuốc thú y có chứa kháng sinh như trên trong TĂCN với mục đích phòng bệnh, cũng cần phải có lộ trình thay thế kháng sinh.
Ông Dương cho rằng, đây là một thử thách lớn về chi phí, thời gian, sự tiện lợi… Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn phải làm với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm chăn nuôi.
Trên thực tế cho thấy đã có những giải pháp thay thế kháng sinh trong TĂCN một cách rất hiệu quả bằng việc sử dụng chế phẩm thảo dược, probiotics…
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Thiệu (Đại học Nông Lâm TP HCM), hiện nay, chúng ta đã hoàn toàn có thể sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm không chứa kháng sinh, bằng các chế phẩm sinh học thay thế được sử dụng đúng mức, mà vẫn đạt được kết quả chăn nuôi về sức tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và sức khỏe vật nuôi ngang bằng hoặc tốt hơn so với sử dụng TĂCN chức các khác sinh phòng trị bệnh thông thường.
Theo NNVN