Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Đánh giá về kết quả xuất khẩu nông thủy sản 5 tháng đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT cho biết, cao su là mặt hàng gây bất ngờ lớn khi tăng trưởng mạnh về lượng, đặc biệt là trị giá với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 93,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 548 nghìn tấn, trị giá 923 triệu USD.
Mật hàng này đã đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản, đạt 10,99 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, chỉ trong tháng 6, cao su chắc chắn sẽ vượt mốc xuất khẩu 1 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp và cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm. Trong đó, một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: RSS1 tăng 34,9%, Latex tăng 32,6%, RSS3 tăng 29,8%, SVR CV60 tăng 27,9%, SVR 3L tăng 26,4%...
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng qua, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,89% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 285,09 nghìn tấn, trị giá 459,18 triệu USD, tăng 87,1% về lượng và tăng 116,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,53% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 283,74 nghìn tấn, trị giá 456,58 triệu USD, tăng 88,8% về lượng và tăng 118,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng hợp xuất khẩu các sản phẩm cao su nói chung sang Trung Quốc đã đạt 705,64 triệu USD, tăng 81,6% so với cùng kỳ năm 2020, là là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ 2 tại thị trường này, chỉ đứng sau Thái Lan với trị giá trên 1,4 tỷ USD. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 chiếm 16,6%, tăng mạnh so với mức 11,65% của 4 tháng đầu năm 2020.
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cao su tăng mạnh là nhu cầu găng tay cao su trên toàn cầu đã có mức tăng kỷ lục trong lịch sử, tăng hơn 20% trong năm nay lên 360 tỷ chiếc do đại dịch Covid-19. Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) dự đoán tình trạng thiếu găng tay cao su trên toàn cầu sẽ còn kéo dài tới quý I/2022.
Các doanh nghiệp sản xuất găng tay y tế lớn trên thế giới cảnh báo tình trạng khan hiếm sản phẩm có thể xảy ra khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu tăng đột biến. Xuất phát từ nhu cầu này, nhiều công ty quyết định đầu tư thêm thiết bị và máy móc mới để tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định.
Xuất khẩu cao su năm 2020 đạt 1,75 triệu tấn, trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với năm 2019.