Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,2 tỷ USD, tăng 3,86% so với tháng trước và tăng 41,79% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự hồi phục tích cực sau 2 tháng giảm liên tiếp về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam kể từ thời điểm đảo chiều mạnh vào tháng 3/2021 (tăng 46,83% so với tháng trước đó). Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 158,3 tỷ USD, tăng 28,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6/2021, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,15 tỷ USD, chiếm 29,98% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới.
Trong tháng 6/2021, cùng với cà phê và hạt điều là 2 mặt hàng vẫn đang trong xu hướng giảm, giá trị xuất khẩu gạo cũng giảm tương đối nhiều so với tháng trước. Ngoài 3 mặt hàng nói trên, tất cả các mặt hàng nông sản còn lại của Việt Nam sang thị trường này đều duy trì được mức tăng trưởng khá tốt. So với tháng 6/2021, 4 ngành có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất là cao su (đứng đầu với 123,26%), mây tre đan (đứng thứ hai với 112,29%), sản phẩm từ cao su (đứng thứ ba với 94,26%) và gỗ và sản phẩm gỗ (đứng thứ tư với 94,15%). Tăng ít nhất vẫn là mặt hàng chè (tăng 7,87%).
Theo dự báo cập nhật tháng 7/2021 của USDA, sản lượng gạo của Hoa Kỳ trong năm 2020/21 tiếp tục được dự báo sẽ đạt khoảng 7,23 triệu tấn, tăng khoảng 1,35 triệu tấn so với năm 2019/20. Mức nhập khẩu gạo năm 2020/21 của Hoa Kỳ dự báo đạt 1,2 nghìn tấn, giảm khoảng 0,01 nghìn tấn so với năm 2019/20.
Giao dịch hàng hóa nhập khẩu nguyên container tăng 32,5% tại các cảng container lớn nhất của Mỹ trong tháng 6/2021 song tốc độ tăng này vẫn thấp hơn so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu không thể trả chi phí vận chuyển quá cao hoặc các nhà xuất khẩu không thể tìm thấy được container rỗng để vận chuyển hàng hóa của mình. Các tuyến đường sắt ở Mỹ đã bắt đầu điều tiết giảm lưu lượng vận chuyển đối với hàng hóa nhập khẩu tại các cảng Los Angeles, Long Beach cũng như New York khi Mỹ ghi nhận khối lượng hàng hóa nhập khẩu tăng kỷ lục. Hàng hóa tồn đọng tại LA / Long Beach là nguyên nhân dẫn đến lạm phát giá cả trong thời gian tới.
Fairtrade Hoa Kỳ gần đây đã ra mắt Công cụ tìm kiếm sản phẩm mới để giúp người tiêu dùng dễ dàng xác định và mua hơn 5000 sản phẩm được chứng nhận bởi Fairtrade với trên khắp cả nước này. Báo cáo thông tin chi tiết về người tiêu dùng hàng năm của Fairtrade do GlobeScan thực hiện cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng Hoa Kỳ tin tưởng vào nhãn hiệu Fairtrade International đã tăng từ mức 48% vào năm 2019 lên 57% vào năm 2021. Cà phê vẫn là sản phẩm được Fairtrade công nhận nhiều nhất và người mua hàng ở Hoa Kỳ được cho là sẵn sàng trả thêm 35% cho cà phê do Fairtrade công nhận.
Giữa tháng 7/2021, Green Coffee Association đã công bố lượng cà phê dự trữ tại các kho của Hoa Kỳ đến cuối tháng 6/2021. Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tồn kho cà phê tại các kho trên khắp Hoa Kỳ giảm 35.678 bao so với cuối tháng 5/2021, đạt tổng cộng 5.779.461 bao loại 60kg. Tồn kho cà phê giảm mạnh nhất ở Sans Francisco và tăng mạnh nhất ở New Orleans.
Starbucks đã công bố báo cáo doanh thu thuần hợp nhất cho quý tài chính thứ ba kết thúc vào ngày 27/6/2021 là 75 tỷ USD, tăng 78% so với năm trước, chủ yếu nhờ gia tăng 73% doanh số bán hàng tại các cửa hàng trên toàn cầu. Starbucks đã mở 352 cửa hàng mới trong quý này, tạo ra mức tăng trưởng hàng năm là 3% với số lượng cửa hàng trên toàn cầu đã đạt con số 33.295 cửa hàng, trong đó Hoa Kỳ có 15.348 cửa hàng với doanh số bán hàng đã tăng 83%.
Về mặt hàng thủy hải sản, theo IRI và 210 Analytics, doanh số bán hàng hải sản tươi sống, đông lạnh và bảo quản của Mỹ đạt 585 triệu USD (496 triệu EUR) vào tháng 6/2021. Mặc dù giảm 5,3% so với năm 2020, nhưng so với năm 2019, doanh số đã tăng gần 44%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh số bán hải sản tươi sống và đông lạnh tăng so với năm 2020 phục vụ nhu cầu du lịch ngày căng tăng của các gia đinh, ở chiều ngược lại, doanh số bán hải sản bảo quản lại giảm tương đối. Cũng liên quan đến thủy hải sản, Liên minh Tôm miền Nam (SSA) cho rằng các mã thuế quan mới do Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ vừa công bố mới đây sẽ phân biệt giữa nhập khẩu tôm được đánh bắt tự nhiên và tôm nuôi để hạn chế tình trạng thiếu minh bạch trong nhập khẩu. Theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong năm tài chính 21, Ấn Độ đứng đầu các nước xuất khẩu tôm sú sang Mỹ, thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất thế giới, với 270 nghìn tấn, tiếp theo là Indonesia với 166 nghìn tấn.
Giá thủy sản tăng cao do lạm phát đang gây lo ngại cho toàn ngành thủy sản Mỹ, bao gồm cả những khách hàng là các nhà bán lẻ và dịch vụ ăn uống. Cụ thể, giá thủy sản đông lạnh ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong quý 2/2021 với mức tăng tới 9,2% so với cùng kỳ năm 2019 lên trung bình 6,96 USD/lb tại các cửa hàng thực phẩm tổng hợp và các nhà bán lẻ lớn; giá thủy sản đông lạnh cũng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; giá thủy sản tươi cũng tăng tới 8% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm 2019 và 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 lên trung bình 8,4 USD/lb.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.