Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) lớn nhất của Việt Nam, chiếm xấp xỉ 27,05% tổng xuất khẩu NLTS trong tháng 7/2021. Bảy tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 8,57 tỷ USD, tăng 59,29% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 2,3 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt gần 1,35 tỷ USD, giảm 13,39% so với tháng trước và tăng 26,31% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hoa kỳ trong tháng 7/2021 là gỗ và các sản phẩm gỗ (chiếm 62,52%), thủy sản (17,59%), hạt điều (8,17%). So với tháng 6/2021, có 3/13 mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất cà phê (tăng 33,56%), cao su (tăng 6,8%), thủy sản (tăng 0,52%), và 10/13 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là gạo (giảm 30,91%), rau quả (giảm 20,9%). So với cùng kỳ, tất cả các mặt hàng đều giảm về kim ngạch xuất khẩu, giảm mạnh nhất là gạo tới 99,72%, cao su giảm 97,21%, chè giảm 96,3%. (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Theo dự báo cập nhật tháng 8/2021 của USDA, sản lượng gạo của Hoa Kỳ trong năm 2020/21 tiếp tục được dự báo sẽ đạt khoảng 7,23 triệu tấn, tăng khoảng 1,35 triệu tấn so với năm 2019/20. Mức nhập khẩu gạo năm 2020/21 của Hoa Kỳ dự báo chỉ ở mức 1,2 nghìn tấn, giảm khoảng 0,01 nghìn tấn so với năm 2019/20.
Hiệp hội Cà phê Xanh Hoa Kỳ báo cáo tồn kho dự trữ tại các cảng của nước này đã tăng 294.885 bao, tăng 5,1% trong tháng 7, lên mức 6.074.346 bao, đánh dấu mức dự trữ cà phê xanh cao nhất của Hoa Kỳ kể từ tháng 10 năm 2020 tới nay. Với mức tiêu thụ ước tính hàng tuần của Hoa Kỳ và Canada từ các kho dự trữ này là khoảng 585.000 bao, mức dự trữ này được nhận định là an toàn, tương đương với hơn 11 tuần hoạt động rang xay liên tục.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của USDA, trong năm tài chính 2022, tổng nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 2,0 tỷ USD so với dự báo năm 2021, lên 159,5 tỷ USD, và tăng 16,1 tỷ USD so với năm 2020, do tăng nhập khẩu ở các sản phẩm chăn nuôi và thịt bò, hạt có dầu và các sản phẩm làm vườn. Cũng theo báo cáo này, trong năm tài chính 2021, giá trị nhập khẩu trái cây tươi dự kiến sẽ tăng 1,2 tỷ USD so với năm 2020, lên mức 15,2 tỷ USD. Nhập khẩu rau tươi cả năm tài chính 2021 dự kiến cũng sẽ tăng 400 triệu USD so với 2020 lên mức 10,3 tỷ USD, nhập khẩu rau chế biến dự kiến sẽ vượt mức dự báo trước đó là 200 triệu USD, lượng nhập khẩu rau đã qua chế biến sẽ tăng hơn nữa trong năm tài chính 2022 dự kiến sẽ mang lại giá trị 6,6 tỷ USD. Trong năm tài chính 2021, nhập khẩu gia súc, sữa và gia cầm; thịt bò và thịt lợn cũng được dự báo sẽ tăng, lần lượt ở mức 700 triệu USD lên mức 19,3 tỷ USD, 800 triệu lên mức 7,2 tỷ USD và 100 triệu USD lên mức 1,8 tỷ USD do nguồn cung trong nước của các loại sản phẩm này dự kiến sẽ hạn chế hơn. Dự báo nhập khẩu đối với gia cầm và các sản phẩm là 900 triệu USD do nhu cầu nội địa tăng mạnh.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quý III/2021 từ 9% xuống 5,5% do lạm phát cao hơn và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay, là mức cao nhất kể từ năm 1984 tới nay.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.