Theo Công thương
Lạm dụng phân bón vô cơ
Các chuyên gia đánh giá, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, hiệu quả với việc sử dụng phân bón hữu cơ là một xu hướng tất yếu.
Ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng cần phải tăng cường tối đa tỷ lệ phân bón hữu cơ. Hiện nay nông nghiệp hữu cơ đã có một Nghị định riêng, một chương trình riêng, sau Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (thành lập năm 2012), gần đây Hiệp hội Nông nghiệp tuần hoàn đã được thành lập (tháng 12 năm 2021). Cho đến nay chúng ta đã sản xuất và sử dụng gần 11 triệu tấn phân bón vô cơ (năm 2021 sản xuất hơn 7 triệu tấn phân bón vô cơ), nhưng phân bón hữu cơ sản xuất còn ở tỷ lệ quá khiêm tốn. Theo Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ sẽ tăng dần và đạt 15% vào năm 2025.
Việt Nam đang dùng lượng phân bón vô cơ trên một diện tích vào loại cao của thế giới, theo FAO thống kê mỗi 1 ha Việt Nam dùng 460 kg phân bón vô cơ/ha trong khi trung bình thế giới chỉ dùng có 135 kg/ha. Nhiều chuyên gia cho rằng con số trên chưa chính xác vì cách tính toán, số vụ trên một ha gieo trồng, tuy nhiên có một thực tế cần thừa nhận là tại nhiều vùng bà con nông dân còn sử dụng dư phân bón vô cơ.
Nhiều rào cản với phân bón hữu cơ
Nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đã trở thành một xu thế tất yếu. Chính vì thế, thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ truyền thống cũng đã chuyển hướng bổ sung thêm sản phẩm phân bón hữu cơ. Điển hình là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - một “ông lớn” trong ngành sản xuất phân bón vô cơ với 60 năm kinh nghiệm.
Tháng 1/2021, Supe Lâm Thao cho ra mắt 2 sản phẩm phân bón thế hệ mới. Trong đó, sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng Lâm Thao 3-5-2 dạng hạt và 3-2-3; 2-4-2 dạng bột chuyên dùng bón lót và bón thúc cho các loại cây trồng nhằm tạo mùn và độ tơi xốp cho đất, đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tròn một năm sau, vào tháng 1/2022, Supe Lâm Thao tiếp tục ra đời thêm sản phẩm phân bón Supe lân vi sinh Lâm Thao với công nghệ tiên tiến: cấy vi sinh vào phân bón vô cơ.
|
Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông giới thiệu các sản phẩm phân bón hữu cơ thế hệ mới của Công ty |
Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông - đơn vị sản xuất phân bón có tiếng trên thị trường cho rằng: đây chính là thời điểm quan trọng để có thể làm một cuộc cách mạng về phân bón. Để các sản phẩm nông sản có được giá trị cao, người nông dân cần phải biết sử dụng cân bằng và hài hòa cả phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ. Vì đầu tư cho một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không hề rẻ. Giá trị của những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thế giới được định giá rất cao.
Ông Phong cũng cho biết thêm, để cuộc cách mạng về phân bón hữu cơ thực hiện được, các cơ quan chức năng phải hết sức mạnh tay với các đơn vị sản xuất phân bón nhỏ lẻ, không uy tín. Với tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, hộ kinh doanh nào cũng có thể sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ. Chính việc không kiểm soát chất lượng này đã làm các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần một cuộc “thanh lọc” thực sự.
|
Ông Trần Văn Tư - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Agritech cho rằng nếu sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý sẽ giúp tăng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần |
Ông Trần Văn Tư - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Agritech - đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học tại Tam Dương - Vĩnh Phúc nhận định: Giá phân bón vô cơ tăng phi mã, vẫn ở mức cao trong thời gian tới. Chính vì thế, Công ty cổ phần Hoàng Anh Agritech đã nghiên cứu cho ra dòng sản phẩm hữu cơ chất lượng cao chuyên bón lót, bón thúc, nuôi dưỡng trái cho tất cả các loại cây trồng và thay thế hoàn toàn phân vô cơ, giúp nông dân cho ra sản phẩm nông sản hữu cơ có giá trị, chất lượng, và hiệu quả.
Ông chia sẻ: Cái khó nhất hiện nay vẫn là thay đổi quan điểm và thói quen sử dụng phân bón vô cơ của người nông dân. Vì thực tế, tác động của phân bón hữu cơ cũng không nhanh như phân vô cơ và lượng bón nhiều hơn so với phân hóa học nên bà con nông dân ít sử dụng. Trong khi hàng thế kỷ nay, người nông dân Việt Nam vẫn quan tâm đến việc bón phân thế nào để năng suất cao, hiệu quả nhanh. Câu chuyện nâng cao giá trị của nông sản, nhất là nông sản hữu cơ vẫn chỉ đứng hàng thứ yếu. Đồng thời, họ không quan tâm đến việc giữ độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường.
Ông Tư lấy một ví dụ cụ thể: Với một sào lúa, người nông dân quen dùng phân bón vô cơ và vấn đề họ quan tâm là con số: dùng bao nhiêu phân để tăng được năng suất, càng năng suất càng tốt. Nhưng vấn đề hiện nay là năng suất đã đạt mức gần như tối đa. Lẽ ra phải quan tâm đến thay đổi về chất để tăng giá trị gia tăng trên diện tích ấy. Cùng là một sào lúa, nhưng nếu bón phân vô cơ đơn thuần thì chỉ cho năng suất cao, trong khi giá thành của sản phẩm vẫn thấp. Nhưng nếu sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ một cách hợp lý sẽ giảm được mức đầu tư chi phí đầu vào, sản phẩm đầu ra là hạt gạo hữu cơ sẽ tăng giá trị lên gấp nhiều lần.
Ông Phùng Hà cho rằng, về lâu dài, để phát triển được phân bón hữu cơ, cần có hình thức tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức; sử dụng phân bón hữu cơ là một yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của một nền nông nghiệp bền vững. Từ đó họ tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, sử dụng phân hữu cơ giảm phân bón hóa học để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó tiếp tục thắt chặt quản lý chất lượng phân bón hữu cơ, tránh hiện tượng “trăm hoa đua nở” tràn lan dẫn tới khó kiếm soát.