Nguồn: daidoanket.vn
Nhiều vi phạm về chất lượng
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương liên tục phát giác nhiều vụ việc sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng của tỉnh này đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y giả, kém chất lượng đang bán cho bà con nông dân.
Tại cơ sở Đinh Thị Minh Huệ, phường 2, TP Tây Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện hành vi mua bán 40 bao thức ăn hỗn hợp cho gà thịt có hàm lượng Methionine + Cystine tổng số thấp hơn mức tối thiểu từ 2% đến dưới 5% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng; mua bán 20 bao thức ăn hỗn hợp cho heo thịt từ 30kg – 60kg có hàm lượng Methionine + Cystine tổng số thấp hơn mức tối thiểu từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng; Mua bán 40 bao thức ăn hỗn hợp cho gà thịt có hàm lượng Methionine + Cystine tổng số thấp hơn mức tối thiểu từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Với 3 hành vi vi phạm trên ngành chức năng đã xử phạt gần 17 triệu đồng, cùng với đó buộc thu hồi và tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 2 lô hàng hóa vi phạm.
Tương tự tại Bến Tre, đoàn kiểm tra tiến hành lấy 2 mẫu phân bón, 1 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi kiểm nghiệm chất lượng. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 thì 2 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, 1 mẫu thức ăn chăn nuôi giả về chất lượng. Tang vật vi phạm là 2,4 tấn phân bón các loại và 575kg thức ăn chăn nuôi, trị giá hàng hóa vi phạm trên 26 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi đang kinh doanh có dấu hiệu vi phạm không đảm bảo chất lượng như: không gắn dấu hợp quy; có nhãn không ghi đủ, ghi không đúng các nội dung bắt buộc; trên nhãn ghi thông tin sai sự thật về quy chuẩn kỹ thuật cho người tiêu dùng...
Người chăn nuôi chịu thiệt
Dù có mấy chục năm nuôi gà trang trại, song theo ông Lê Văn Túy (Thanh Thủy, Hòa Bình) người chăn nuôi không thể tự xác định được chất lượng thức ăn nên chỉ chọn mua theo thương hiệu cũng như thói quen lâu nay. Trước khi giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng cao, giá đầu ra cho sản phẩm không giảm mạnh như hiện nay thì phần lớn thức ăn chăn nuôi nhà ông Túy được mua từ công ty. Nhưng từ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá thịt gà giảm ông phải nhập lẻ sản phẩm của những công ty ít có tên tuổi, thậm chí của cả cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
“Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quá cao, chăn nuôi đang thua lỗ thì nông dân nuôi gà nông hộ như tôi buộc phải chọn mua những loại thức ăn có giá bán rẻ hơn, những mong giải được bài toán hạ giá thành. Thế nhưng chỉ khi sử dụng mới biết mua nhầm hàng kém chất lượng” - ông Túy chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, từ 2 năm nay, giá nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Vì mục tiêu lợi nhuận, không ít cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã "rút ruột" các chất dinh dưỡng trong thức ăn, thay vào đó là các chất ít có giá trị dinh dưỡng.
Ông Dương cho biết, để đảm bảo hàm lượng protein đạt tiêu chuẩn cần phải đảm bảo hàm lượng các nguyên liệu như khô đậu tương, bột đậu tương, bột ngô, bột cá, dầu cá, bột thịt xương… tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đã giảm các tỷ lệ nguyên liệu này xuống.
Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp cho bài toán thức ăn kém chất lượng bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm thì việc tự chủ nguồn nguyên liệu là giải pháp cấp bách. Hiện nay để sản xuất lượng thức ăn đáp ứng nhu cầu, mỗi năm cả nước cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu, nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu 22,3 triệu tấn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Theo đó, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.
Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, việc xử phạt không dễ. Bởi thực tế hành vi vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là vẫn sử dụng nguyên liệu là chất hữu cơ – tức là vẫn có dinh dưỡng, chỉ có kém hoặc không đạt chất lượng. Vì vậy, phần lớn các vụ vi phạm không thể quy kết là hàng giả, mà chỉ quy kết được sản xuất hàng kém chất lượng.