Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp mía đường liên tiếp báo lãi khủng, triển vọng đầy tươi sáng khi giá đường vẫn neo cao
31 | 07 | 2023
SSI Research dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ neo ở mức cao và theo cùng xu hướng với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế nhập khẩu đối với đường Thái Lan có hiệu lực.

Nguồn: etime.danviet.vn

Triển vọng ngành mía đường

Giá đường toàn cầu phục hồi lên 0,53 USD/kg (+23% so với đầu năm, +38% svck) trong tháng 7/2023, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tháng là 0,48 USD/kg vào tháng 6/2023. Giá dầu thô tăng vào đầu tháng 7, đã thúc đẩy kỳ vọng các doanh nghiệp sản xuất ở Brazil sẽ ưu tiên sản xuất ethanol hơn đường, do đó hạn chế nguồn cung đường thế giới.

Giá đường thế giới tiếp tục neo ở mức đỉnh trong 6 năm qua. Trong nửa đầu năm 2023, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã giảm dự báo sản lượng của Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt -7% và -10% do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trong nửa cuối năm 2023, lo ngại về diễn biến thời tiết El Nino sẽ hạn chế triển vọng sản xuất đường toàn cầu cho niên vụ 2023/2024.

 
 
Doanh nghiệp mía đường báo liên tiếp báo lãi khủng, triển vọng đầy tươi sáng khi giá đường vẫn neo cao - Ảnh 1.

Vào tháng 5/2023, USDA dự báo lượng đường tồn kho toàn cầu sẽ giảm 15% svck trong niên vụ 2023/2024, đây là năm giảm thứ ba liên tiếp, gây áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.

Theo VSSA, sản lượng đường trong nước niên vụ 2022/2023 đạt 941 .000 tấn (+36% svck). Về phía tiêu dùng, VSSA ước tính mức tiêu thụ đường của Việt Nam đạt 2,35 triệu tấn (+2% svck) trong năm 2023. Giá đường trong nước đã bắt đầu tăng theo xu hướng của thế giới từ Q2/2023. Vào tháng 7/2023, giá đường nội địa tăng lên 21.000 đồng/kg (+15% so với đầu năm), tiếp tục xu hướng tăng từ Q2/2023.

SSI Research dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ neo ở mức cao và theo cùng xu hướng với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế nhập khẩu đối với đường Thái Lan có hiệu lực.

Theo lãnh đạo CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), việc kiểm soát đường nhập lậu đã được cải thiện kể từ Q2/2023 nhờ việc tăng cường kiểm tra. Chênh lệch giá giữa đường sản xuất trong nước và đường nhập lậu đã giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg trong năm 2022 xuống còn 200-300 đồng/kg trong năm 2023.

Tại thời điểm hiện tại, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì ở mức trên khoảng 20.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2023. Đối với niên vụ 2023/2024, theo QNS, thời tiết tại Việt Nam tiếp tục thuận lợi sẽ giúp sản lượng mía tăng và chất lượng tốt hơn.

Doanh nghiệp ngành mía đường báo lãi khủng

Hiện các doanh nghiệp mía đường đang công bố tình hình kinh doanh thời gian qua. Trong đó, SLS, QNS cho thấy kết quả kinh doanh đầy khởi sắc.

CTCP Mía đường Sơn La (HNX: SLS) vừa công bố BCTC quý IV niên độ 2022 – 2023 (kỳ tài chính từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) với doanh thu thuần đạt 549,9 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng tăng 111% lên 319,2 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 243% lần lên 230,7 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 30,8% lên 42%.

Doanh thu tài chính tăng 27,3% lên 5,1 tỷ đồng; trong khi đó chi phí tài chính giảm 65% xuống 2,3 tỷ đồng; Chi phí bán hàng tăng 113% lên 1,8 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 348% lên 6,9 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 224,6 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ.

Niên độ 2022 - 2023, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu doanh thu khoảng 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Như vậy, công ty vượt 51% kế hoạch doanh thu, vượt 597% mục tiêu lợi nhuận.

Với CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), trong quý II/2023 doanh thu thuần của QNS đạt 3.152 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước; giá vốn bán hàng tăng 39,6% lên 2.155,5 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 52,2% lên 997 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 98% lên 92,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm nhẹ xuống gần 170 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 19,5% lên 81 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng vọt từ âm hơn 300 triệu đồng lên 8,7 tỷ đồng.

Chốt quý II/2023, Đường Quảng Ngãi báo lãi 712 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm QNS đạt 5.282 tỷ đồng doanh thu và 1.028,5 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 31,6% và 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, QNS đặt mục tiêu 8.400 tỷ đồng doanh thu tăng 2%, lợi nhuận sau thuế là 1.008 tỷ đồng giảm 22% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm QNS đã vượt 2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mảng sữa đậu nành: Doanh thu thuần và LNTT của mảng sữa đậu nành của QNS lần lượt đạt 2.000 tỷ đồng (-7% svck) và 430 tỷ đồng (+6% svck) trong 6 tháng đầu năm 2023. Mức tiêu thụ sữa đậu nành đạt 115 triệu lít (-12% svck). QNS đã tăng 5% giá bán bình quân svck trong nửa đầu năm 2023 và mức tăng giá bán bình quân phần nào bù đắp cho mức tiêu thụ sữa đậu nành yếu, giúp cải thiện lợi nhuận ròng. QNS cũng kỳ vọng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% có thể giúp cải thiện mức tiêu thụ sữa đậu nành trong nửa sau 2023. Công ty dự kiến ra mắt sản phẩm sữa đậu nành mới (phân khúc cao cấp với giá bán cao hơn) trong quý IV/2023.

Mảng mía đường: QNS đạt 2.200 tỷ đồng doanh thu thuần (+164% svck) và LNTT đạt 470 tỷ đồng (+488% svck) trong 6 tháng đầu năm 2023, cao hơn kỳ vọng của chúng tôi đối với mảng đường trong 6 tháng đầu năm.

Tổng lượng đường tiêu thụ đạt 120.000 tấn (+126% svck) trong nửa đầu năm 2023. Sản lượng tiêu thụ của QNS đạt 40.000 tấn (+90% svck) trong Q1/2023 và 80.000 tấn (+150% svck) trong quý II/2023. Sản lượng mía tăng giúp mảng điện sinh khối đạt LNTT 55 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Trong tháng 5/2023, giá đường trong nước đạt 20.000 đồng/kg (+12% svck, +10% so với đầu năm), thay đổi từ mức khoảng 18.000 đồng/kg trong quý I/2023. Do lượng đường tồn kho giá rẻ trong quý I/2023 dần cạn kiệt, giá đường trong nước bắt đầu chịu tác động của giá đường thế giới trong quý II/2023. 

Ngoài ra, từ quý II/2023, QNS đã bắt đầu bán mặt hàng đường đóng gói với thương hiệu "Đường An Khê" thông qua các kênh thương mại hiện đại (Bách Hóa Xanh, Winmart, Coopmart và Big C). Bắt đầu từ tháng 6/2023, Vinasoy sẽ phụ trách phát triển thương hiệu đường bán lẻ và phân phối đường gói dựa trên mạng lưới phân phối của mình. Vinasoy có 156 nhà phân phối và hơn 142 .000 điểm bán hàng trêntoàn quốc, chiếm 88% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam.

SSI Research giả định sản lượng tiêu thụ đường RE đạt 40 .000 tấn cho năm 2023 và 2024, và giả định giá bán trung bình của đường RS&RE tăng 11% svck trong năm 2023 (từ mức +3% svck như giả định trước đó). SSI Research kỳ vọng giá đường sẽ giảm 3% svck trong năm 2024. Biên lợi nhuận gộp của đường RS và RE ước tính lần lượt đạt 28,7% và 7,6% trong năm 2024. Tỷ trọng đóng góp của mảng mía đường trên tổng lợi nhuận gộp sẽ tăng từ 19% trong năm 2022 lên lần lượt là 27,4% và 24,8% trong năm 2023 và năm 2024.

Theo đó, SSI Research ước tính doanh thu thuần và LNST của QNS lần lượt đạt 10.200 tỷ đồng (+24% svck) và  2.000 tỷ đồng (+59% svck) trong năm 2023. Trong năm 2024, SSI Research ước tính doanh thu thuần đạt 11.100 tỷ đồng (+9% svck) và LNST đạt 2.200 tỷ đồng (+8% svck).



Báo cáo phân tích thị trường