Nguồn: thesaigontimes.vn
Các cuộc đàm phán hợp đồng mua đường giữa khách hàng và nhà sản xuất cho mùa thu hoạch của niên vụ 2023-2024, bắt đầu vào tháng 10, đang diễn ra ở châu Âu. Giá được báo là hơn 1.000 euro một tấn, cao hơn gấp đôi so với hồi giữa năm ngoái. Điều đó có nghĩa giá các mặt hàng bánh kẹo và các đồ ăn nhẹ có sử dụng đường khác sẽ tăng lên ở khắp châu Âu.
Sản lượng đường niên vụ 2022-2023 hiện tại ở châu Âu đạt 14,6 triệu tấn, giảm 12% so với niên vụ trước, và thấp hơn một triệu tấn so với ước tính ban đầu của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi các công ty lớn được bảo vệ khỏi đợt tăng giá đường mạnh nhờ các hợp đồng dài hạn, giá đường trên thị trường giao ngay đã tăng 58% kể từ tháng 10 năm ngoái, gây áp lực lớn cho các công ty bánh kẹo quy mô vừa và nhỏ.
Các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện với lượng mưa lớn ở một số nơi tại châu Âu khiến vụ gieo trồng củ cải đường năm nay bị trễ khoảng một tháng. Nhiệt độ tăng cao kể từ đó làm tăng nguy cơ hạn hán và sâu bệnh lây lan nhanh hơn ở các cánh đồng củ cải đường.
John Stansfield, nhà phân tích đường cao cấp của DNEXT Intelligence, cho biết cho đến nay các nhà sản xuất vẫn thận trọng trong việc định giá.
“Điều quan trọng là thời tiết sẽ như thế nào trong hai hoặc ba tháng tới. Liệu mưa sẽ xuất hiện hay chỉ có điều kiện khô hạn?”, ông nói.
Với nguồn cung khan hiếm và mối đe dọa hạn hán đang rình rập, Suedzucker (Đức), nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới, và Tereos, nhà sản xuất đường hàng đầu của Pháp, dự báo giá đường sẽ tăng trong thời gian tới. Và năm nay, với những hợp đồng mua đường mới được ký kết với mức giá kỷ lục, chi phí tăng thêm ở các công ty sản xuất bánh kẹo và thực phẩm sẽ là điều không tránh khỏi.
Kona Haque, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp ED&F Man, cho biết một số công ty sẽ phải chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.
“Lạm phát giá đường ở châu Âu sẽ chưa dừng lại”, Yury Sharanov, Chủ tịch của CIUS, một nhóm vận động hành lang đại diện cho cả người tiêu dùng và khách hàng mua quy mô công nghiệp trong ngành đường ở châu Âu, nói.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn do dự trữ đường của các công ty đang ở mức thấp sau đã giảm vào năm ngoái.
Julian Price, một nhà tư vấn đường độc lập và là cựu chủ tịch của Hiệp hội các nhà kinh doanh đường châu Âu, cho biết lượng hàng tồn kho giảm sẽ tạo ra động lực tăng giá mạnh mẽ đối với đường tại thị trường châu Âu.
Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng sản lượng đường có thể tăng lên. EU đã dự báo sản lượng đường có thể đạt 15,5 triệu tấn trong vụ thu hoạch tới, với diện tích trồng củ cải đường của Ba Lan tăng đột biến bù đắp cho sự sụt giảm ở Pháp.
Nhưng không phải ai cũng cũng lạc quan như vậy. Các nhà phân tích khác lo ngại về virus vàng lụi (làm lá vàng), một căn bệnh có thể tàn phá hoàn toàn cây củ cải đường. Sau khi Pháp cấm sử dụng neonicotinoids, một loại thuốc trừ sâu bảo vệ chống lại bệnh virus vàng lụi, các chuyên gia của Green Pool Commodity Specialists ước tính, sản lượng đường của châu Âu có thể giảm xuống còn 14,8 triệu tấn.
Các nhà phân tích của Green Pool lưu ý: “Dù cho đến nay, có rất ít báo cáo về các triệu chứng bệnh vàng lụi do virus ở cây củ cải đường, nhưng vẫn còn quá sớm để nói cây củ cải đường đã tránh được bệnh này trong năm nay. Có thể các triệu chứng xuất hiện trong tháng này”.
Tình hình bất ổn như vậy không chỉ giới hạn ở châu Âu. Đường trên thế giới sản xuất từ mía trồng ở vùng nhiệt đới và củ cải đường trồng ở những khu vực mát mẻ. Thời tiết khắc nghiệt gây tổn hại cho cả cây mía lẫn củ cải đường. Hiện tượng thời tiết El Nino đang đe dọa sản lượng thu hoạch mía ở Đông Nam Á và châu Phi. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao ở châu Âu khiến củ cải đường kém năng suất.