Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia cần bắt đầu từ đâu?
21 | 02 | 2024
Cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King của Malaysia trồng tại Việt Nam được bán từ 500.000-800.000 đồng/kg. Trong khi giống RI6 bản địa, chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ 100.000 đồng/kg.

Nguồn: vietnamplus.vn

Các thương hiệu của Việt Nam tham gia triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các thương hiệu của Việt Nam tham gia triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nhiều mặt hàng nông sản Việt vẫn còn ở mức "khiêm tốn", chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế, bởi chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô…

Trước thực tế đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi Việt Nam mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực.

Nâng tầm giá trị cho sản phẩm

Câu chuyện về trái sầu riêng được các chuyên gia kinh tế đưa ra làm dẫn chứng về ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu. Cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King của Malaysia trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000-800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng được đánh giá không hề thua kém nhưng giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Đây là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có, hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh.

Hay như câu chuyện nhân sâm Hàn Quốc, Nhà nước bảo trợ cho những showroom sâm uy tín mà bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng nhất định phải tới đó để nghe câu chuyện về sâm Hàn Quốc và mua những sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu thành phẩm của củ sâm...

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như càphê, gạo, điều… Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.

Hơn nữa, nhiều nông sản còn xuất khẩu dưới dạng thô, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, để nâng tầm giá trị của sản phẩm, việc làm thương hiệu là công việc ưu tiên, hướng tới xuất khẩu bền vững, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ, liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Song song đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng nhằm góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

IMG_3075.JPG

Các hội chợ là cơ hội để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương tại các thị trường xuất khẩu, cần chú trọng đến việc gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu. Do đó, ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng nông sản chất lượng cao thì cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài…

Tận dụng cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh

Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu đã được thực hiện từ Trung ương đến địa phương, tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới để xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng, miền, địa phương.

Để xây dựng thương hiệu quốc gia, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Mục đích của các chương trình này nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood cho rằng, thương hiệu nông sản Việt, muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Australia thì không bằng, nhưng chôm chôm, sầu riêng thì Việt Nam có nhiều cơ hội, vì vậy nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Còn theo ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng quan trọng là phải chọn lựa được sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia…

Thực tế cho thấy, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA)…, đã giúp doanh nghiệp khai thác được thêm những lợi thế tuyệt đối với một số mặt hàng nông sản mới như mặt hàng gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo thơm, được minh chứng qua sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu đối với một số thị trường tại EU gấp 2 hoặc 3 lần so với trước đây.

Hay như đối với mặt hàng rau củ quả, cũng có sự tăng trưởng đáng khích với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD vào năm 2022, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp thứ 59 trên thế giới về mặt hàng này đối với thị trường EU.

Tuy vậy, để tạo ra giá trị cao hơn, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết đối với mặt hàng hồ tiêu và gia vị khi xuất khẩu, song song với câu chuyện thương hiệu còn phải gắn với câu chuyện thị trường và chất lượng bởi vì EU là một thị trường tương đối khó tính và liên tục cập nhật các vấn đề về kiểm soát chất lượng.

vnp_4.JPG

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó là kiểm soát được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, trong đó, các doanh nghiệp phải hướng đến phương thức hợp tác một cách chặt chẽ hơn, có cam kết trong thời gian ổn định trong một thời gian dài cùng với đó là các tiêu chí về môi trường, phát triển bền vững.

"Doanh nghiệp vừa phải cải tiến liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải chuyển đổi ngành sản xuất để có thể cung cấp cái thị trường cần chứ không phải cái mình có thể làm được, bởi những sản phẩm mình có thể làm tốt nhất chưa chắc đã là điều mà mình mong muốn nhất," bà Hoàng Thị Liên khuyến nghị./.



Báo cáo phân tích thị trường