Nguồn: markettimes.vn
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 4/2024 đạt 10,1 nghìn tấn, trị giá 17,2 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 21,3% về trị giá so với tháng 3/2024; tăng 25,9% về lượng và tăng 25,3% về trị giá so với tháng 4/2023. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2024 đạt 1.692,5 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng 4/2023.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 36,7 nghìn tấn, trị giá 60,3 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và tăng 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.644,7 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu chè ghi nhận mức tăng trưởng nhanh cả về lượng và trị giá trong 4 tháng đầu năm 2024, mặc dù xuất khẩu chè tới thị trường tiêu thụ lớn nhất là Pakistan giảm. Theo đó, xuất khẩu chè sang thị trường này trong 4T/2024 đạt 9.761 tấn, tương đương 19,5 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và tăng 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân sang Pakistan đạt 1.999 USD/tấn, tăng 10,3% so với năm trước.
Mức giảm trong xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan được bù đắp từ mức tăng mạnh xuất khẩu tới các thị trường khác như Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ, Malaysia.
Trong đó, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng rất mạnh trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt gần 3,1 nghìn tấn, trị giá 4,4 triệu USD, tăng 173,6% về lượng và tăng 42,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu trung bình trong 4 tháng đầu năm đạt 1.410 USD/tấn, giảm mạnh hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 4, Trung Quốc nhập khẩu 1.174 tấn chè từ Việt Nam, tương đương 1,7 triệu USD, tăng 163% về lượng và tăng gần 80% về giá trị so với tháng 4/2023. Giá xuất khẩu trong tháng 4 đạt 1.473 USD/tấn, giảm 31,7%.
Mặc dù diện tích trồng cây chè tại Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên do các yếu tố như thời tiết, đất đai,... năng suất thu hoạch lại không cao trong khi nhu cầu từ người dân là rất lớn. Bởi vậy quốc gia này vẫn phải tăng cường nhập khẩu chè từ các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam.
Nước này thậm chí chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ. Các thị trường xuất khẩu chè của Trung Quốc bao gồm châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia này sở hữu hơn 2 triệu ha đất trồng chè, phân bố chủ yếu ở tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và tỉnh Hồ Nam. Những vùng này rất lý tưởng cho các trang trại trồng chè cao. Trồng và sản xuất chè ở Trung Quốc là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia tỷ dân này.
Trong khi đó, Việt Nam hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Trong khi tổng sản lượng chè của Việt Nam chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lại lớn hơn gấp hai, ba lần.
Theo Bộ Công thương, việc mở cửa thị trường trở lại sau dịch Covid-19 là yếu tố chính khiến xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng trưởng trong những 2 năm gần đây.