Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 lý do nông sản Việt Nam không thể vào Hoa Kỳ, EU
23 | 08 | 2024
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu 5 lý do nông sản Việt Nam không thể vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 21/8.

Nguồn: nhadautu.vn

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: nhadautu.vn

Ngày 21/8, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan tới thị trường xuất khẩu của các sản phẩm nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là 1 trong 20 cường quốc xuất khẩu trên thế giới, nông sản Việt xuất khảu vào các thị trường thế giới ngày càng nhiều, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-25%/năm.

Tuy nhiên, ông nhận định, phải thừa nhận rằng nông sản Việt mới chỉ vào được các thị trường trường dễ tính như Trung Quốc, Ấn Độ, còn các thị trường khác như EU, Hoa Kỳ thì rất hạn chế.

Năm lý do chính được Bộ trưởng chỉ ra gồm:

Một là quy mô sản xuất nông sản của chúng ta nhỏ, phương thức sản xuất lạc hậu khiến sản lượng thấp, chất lượng không ổn định, thậm chí không đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Thứ 2 là thiếu quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, chưa áp dụng yêu cầu công nghệ theo tiêu chuẩn.

Thứ 3 là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dạng thô, sơ chế, chưa qua chế biến sâu khiến giá trị gia tăng chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh.

Thứ 4 là doanh nghiệp hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, muốn xuất khẩu tiểu ngạch hơn chính ngạch, không chú ý xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thậm chí không muốn giữ thị trường.

"Chiếm được thị trường đã khó nhưng doanh nghiệp lại sẵn sàng từ bỏ. Bằng chứng là để gạo của Việt Nam vào được kệ hàng châu Âu đã rất khó nhưng vào được rồi, do bán được sản lượng thấp nên doanh nghiệp sẵn sàng không bán cho châu Âu, Hoa Kỳ mà bán cho Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước dễ tính để bán được sản lượng nhiều hơn. Đánh đồn đã khó, giữ đồn còn khó hơn. Điều này thể hiện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thiếu chuyên nghiệp", Bộ trưởng chia sẻ.

Nguyên nhân cuối cùng là thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành địa phương trong thực hiện xuất khẩu chính ngạch.

Để thức đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, Bộ trưởng đưa ra một vài yêu cầu với doanh nghiệp, các địa phương.

Thứ nhất, cần chú trọng vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng công nghệ vào sản xuất để có sản phẩm đủ lớn, đạt tiêu chuẩn.

Thứ hai, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng xây dựng, củng cố thương hiệu quốc gia thay vì thương hiệu địa phương, doanh nghiệp; đảm bảo chất lượng hàng hoá ổn định.

Thứ ba, cần thay đổi tập quán sản xuất từ có gì bán lấy sang sản xuất hàng hoá. Người sản xuất cần chủ động trả lời được các câu hỏi "làm cái gì?", "bán cho ai?", "bán bao nhiêu?" và "bán ở đâu?".

Cuối cùng, các bộ ngành, địa phương cần giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng các FTA chúng ta đã ký. Bộ Công Thương sẽ giúp doanh nghiệp quảng báo thương hiệu sản phẩm và kết nối thông qua các Thương vụ của Việt Nam tại 90 nước.



Báo cáo phân tích thị trường