Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EU cảnh giác với rau quả Việt Nam vì sâu bệnh
12 | 04 | 2012
Rau quả Việt Nam xuất khẩu bị EU cảnh báo thường nhiễm 4 loại bệnh hại chính đó là bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá, và vi khuẩn gây bệnh sẹo. Chỉ cần phát hiện 1 mẫu vi phạm, toàn bộ lô hàng sẽ bị trả lại.

 

Ngày 9/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, Tổng vụ sức khỏe người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra lời cảnh báo, trong vòng 1 năm, kể từ ngày 15/1/2012-15/1/2013, nếu EU phát hiện thêm 5 lô hàng của Việt Nam sang EU bị nhiễm vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, tổ chức này có thể sẽ đóng cửa thị trường rau quả nhập từ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm đến nay, EU đã phát hiện được 3 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng này, chủ yếu ở rau thơm và một số loại quả.

 

Ông Hồng cho biết, số mẫu hoa quả nước ta xuất sang EU bị cấm thường nhiễm 4 loại bệnh hại chính đó là bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá, và vi khuẩn gây bệnh sẹo. Những loại vi khuẩn này không có ở các nước châu Âu nhưng lại rất phổ biến ở Việt Nam, vì vậy các quốc gia này luôn cảnh giác rất cao, chỉ cần phát hiện 1 mẫu vi phạm, toàn bộ lô hàng sẽ bị trả lại.

 

Dù trong tháng 8/2011, cục BVTV đã có cuộc hợp với hơn 60.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả để các doanh nghiệp này nắm rõ được tình hình hiện tại nhưng với thị trường có tiêu chuẩn ngặt nghèo như EU, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong số 63 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang Hà Lan đã có 50 doanh nghiệp được thông báo không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

 

Hiện tại, cả phía EU và Đại sứ quán Việt Nam tại EU đang kiến nghị nên tạm dừng xuất khẩu rau quả vào thị trường này một thời gian để chấn chỉnh việc kiểm tra chất lượng. Năm 2011, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 600 triệu USD, trong đó, sản lượng rau quả nhiệt đới đứng thứ 5 châu Á, vì thế đây là một thị trường rất tiềm năng đối với Việt Nam.

 

Hiện nay Cục BVTV đang tiến hành kiểm tra 3 lô hàng rau quả vi phạm chất lượng từ đầu năm đến nay để tìm ra nguyên nhân, do kỹ thuật của nước ta không đảm bảo, ý thức trách nhiệm của các hộ kiểm dịch hạn chế hay do vi phạm của doanh nghiệp.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Diệp Kỉnh Tần, cũng yêu cầu Cục BVTV thành lập các đoàn thanh tra xuống kiểm tra cả những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP và các doanh nghiệp được EU chứng nhận. Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất về đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật trong sản xuất, xuất khẩu.

 

Ngoài rau củ, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trước tình hình nhiều nước đang dự kiến mở rộng phát triển nông nghiệp để có thể "tự cung, tự cấp". Gần đây nhất, Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới tuyên bố sẽ không nhập khẩu gạo của Việt Nam nữa vào năm 2013. Đây có thể sẽ là tổn thất lớn bởi Philippine là một trong những đối tác chủ đạo của Việt Nam, năm 2011, Philippine phải nhập trên 975.000 tấn gạo của Việt Nam với tổng giá trị hơn 476 triệu USD.

 

Bên cạnh gạo, sắn và cà phê cũng là hai mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Trước tình hình dịch bệnh và vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn hiện nay, Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam.

 

Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý I năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích kỹ thuật trong quý I cho thấy các yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản trong quý I có 63% là giá giảm và 37% là do lượng xuất khẩu giảm.

 

Trước tình hình nhiều mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu của nước ta bị đình trệ. Bộ NN&PTNT đang tiến hành những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với quy định các nước nhập khẩu hàng từ Việt Nam.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường