Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành mía đường Việt Nam đang hồi sinh, lần đầu tiên năng suất đường vươn lên vị trí số 1 khu vực
26 | 09 | 2024
Kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành mía đường trong nước đã và đang ghi nhận sự hồi sinh. Nếu như trong giai đoạn 2011- 2021, diện tích mía sụt giảm từ 283.000 ha niên vụ 2011/12 xuống chỉ còn 146.938 ha trong niên vụ 2021/22, thì 3 năm qua đã tăng trở lại, hiện đạt gần 175 nghìn ha…

Nguồn: vneconomy.vn

Cơ giới hoá đồng bộ tại vùng mía nguyên liệu nhà máy đường An Khê.

Cơ giới hoá đồng bộ tại vùng mía nguyên liệu nhà máy đường An Khê.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2023/24 là 174.842 ha, trong đó diện tích mía của nông dân liên kết bán nguyên liệu cho nhà máy đường chiếm 93% trong tổng diện tích mía cả nước.

CƠ CẤU GIỐNG MÍA VẪN MẤT CÂN ĐỐI

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết theo kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của các Nhà máy đường còn hoạt động trong niên vụ 2023/24, tổng diện tích mía thu hoạch vụ 2023/2024 là 163.019 ha, tăng 11,4% (tương ứng tăng 21.113 ha) so với niên vụ trước. Trong khi đó, diện tích mía thu hoạch niên vụ 2022/2023 là 141.906 ha và vụ 2021/2022 là 124.753 ha.

Về canh tác mía, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Mía đường năm 2024, cơ cấu bộ giống mía toàn quốc niên vụ 2024/2025 bao gồm 60 giống. Trong đó, giống KK3 có diện tích trồng lớn nhất (chiếm 68,3% tổng diện tích trồng mía của cả nước), tiếp đến là các giống như: LK92-11 (9,3%); R579 (4,5%); còn lại là các giồng khác.

So sánh với cơ cấu bộ giống của Thái Lan năm 2024 (KK3 chiếm 97%, LK92-11 chiếm 1%, các giống khác chiếm 2%), cơ cấu bộ giống mía ở Việt Nam tuy có đa dạng (nhiều giống hơn), nhưng đang có xu hướng phát triển tương tự như ở Thái Lan, khi diện tích trồng 2 giống mía chủ lực là KK3 và LK92-11 ở Việt Nam đã tăng dần từ 31% năm 2017 lên 77,6% năm 2024.

"Sản lượng mía thu hoạch niên vụ 2023/2024 đạt 11.204.789 tấn, tăng 1.708.431 tấn (tương ứng tăng 17,9%) so với vụ 2022/2023 là 9.496.358 tấn và 7.532.728 tấn của vụ 2021/2022".

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Tuy vậy, TS. Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam, cho rằng hiện cơ cấu giống mía ở Việt Nam cũng đang bị mất cân đối khá nghiêm trọng, khi diện tích các giống chín trung bình đang chiếm trên 90%, trong khi diện tích các giống chín sớm và chín muộn đều chỉ đạt dưới 5%.

Ở một số vùng, do tác động của chính sách mua mía xô (không mua theo chữ đường), nên diện tích trồng một số giống mía cũ, có năng suất cao, chất lượng thấp như R579, K88-92, K88-65, My55-14,... đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, các giống mía có năng suất trung bình, nhưng có chữ đường cao như ROC22, ROC27, VĐ93-159… vẫn chưa được nông dân sử dụng nhiều. Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ thu hồi đường bình quân của các nhà máy đường.

Nhằm tiếp tục nghiên cứu xác định cơ cấu bộ giống mía thích hợp cho các vùng sinh thái, từ 2022-2024, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu tiềm năng cấp Bộ và 5 hợp đồng hợp tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống giữa Viện Nghiên cứu Mía đường và các Nhà máy đường: NASU, Lam Sơn, KCP, Tuy Hòa và Vietsugar, từ 2022-2024 đã đưa ra 23 dòng/giống mía mới, bao gồm 12 dòng/giống mía lai Việt Nam và 8 giống mía nhập nội.

Kết quả bước đầu đã xác định được một số dòng/giống triển vọng, có năng suất, chất lượng cao như VN12-9-2, VN12-64- 25, VNN08-14-12, KK07-250, U-thong 15, U-thong 17, CSB06-4-162, NSUT10-266, YZ08-1609…

Đối với canh tác mía, hiện nay tỷ lệ cơ giới khâu làm đất đạt rất cao (trên 90%), tuy nhiên, khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch còn rất hạn chế. Một số doanh nghiệp lớn ở những địa phương có khả năng tạo cánh đồng lớn đã có sự đầu tư thiết bị máy móc thực hiện cơ giới hóa tương đối đồng bộ, chuyên nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch tạo được hiệu quả cao, giảm chi phí trong sản xuất. Hiện nay, cả nước đã có trên 50 máy thu hoạch mía liên hợp, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thu hoạch mía bằng máy.

Niên vụ 2023/2024, nhiều nhà máy đường đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tưới tiêu mía, áp dụng các kỹ thuật tưới mới như tưới phun, tưới nhỏ giọt.... Hầu hết các diện tích mía được đầu tư chăm sóc và tưới tiêu đúng kỹ thuật, đều nâng cao được năng suất, chất lượng mía và hiệu quả kinh tế rõ rệt so với không được tưới. 

Một số doanh nghiệp mía đường… thông qua các chương trình hợp tác chuyển giao công (như Nhà máy Đường An Khê) hoặc được tài trợ từ nước ngoài (như nông dân trồng mía ở Thanh Hóa), đang tiến hành áp dụng thử nghiệm các giải pháp công nghệ 4.0 mới như RICULT (Hoa Kỳ), VIGREEN (Austraylia),… để chuyển đổi số trong công tác quản lý chuỗi giá trị mía đường.

Các doanh nghiệp này đã hỗ trợ nông dân trong hoạt động canh tác mía, với các thiết bị số theo dõi và phân tích tình hình sinh trưởng của mía, sớm phát hiện được các rủi ro và hạn chế thiệt hại; dự báo năng suất với độ chính xác cao; ước tính được thời điểm mía chín cùng diện tích tương ứng để có được chiến lược thu mua phù hợp.

Ngoài ra, ở nhiều vùng mía, thiết bị bay không người lái (drone) cũng đã được áp dụng rộng rãi để phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại mía, đặc biệt ở giai đoạn mía lớn.

SẢN LƯỢNG ĐƯỜNG TĂNG

Ông Nguyễn Văn Lộc cho hay niên vụ mía đường 2023/24, các nhà máy trong toàn ngành đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2022/2023 sản lượng mía ép niên vụ 2023/2024 tăng 17,9% và sản lượng đường tăng 18,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép tăng 66% và sản lượng đường tăng 61%.

“Đặc biệt, về năng suất đường, niên vụ 2023/24 Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha. Đối sánh với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippine, thành tích nêu trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực”.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Điều này cho thấy, kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Đáng chú ý, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), từ giá chỉ 0,85-0,9 triệu đồng/tấn năm 2020, hiện nay đã đến mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/ tấn mía.

"Mức giá mua mía này đã tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực (so với giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 38,9 USD/tấn, tương đương 935.000 đồng/tấn, giá mua mía của ngành đường Việt Nam 1.267.993 đồng/tấn, cao hơn 35%). Nhờ đó, đã dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây", ông Lộc chia sẻ. 

Niên vụ 2023/24 cũng cho thấy sự chuyển dịch lớn trong sản xuất mía đường. Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, tăng 96% so với niên vụ 2020/21. Khu vực này với 62% sản lượng đã trở thành trung tâm sản xuất mía đường lớn nhất của cả nước

“Về mặt thị trường, giá đường của các nhà máy trong nước bán ra đã thấp hơn so với các nước. Cụ thể, giá đường của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung quốc là 107% so với Việt Nam. Như vậy trong vụ ép 2023/24, ngành đường Việt Nam đã cho thấy năng lực cạnh tranh thực sự khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất”, ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định.



Báo cáo phân tích thị trường