Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tồn kho 65%, hàng nhập lậu tăng cao đẩy ngành đường trong nước vào thế khó
26 | 07 | 2024
Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thời điểm tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam còn tồn khoảng 65% sản lượng của vụ 2023/2024 cộng với đường nhập lậu ngày càng tăng và chiếm tới 30%, đẩy ngành này vào thế khó.

Nguồn: baodautu.vn

Thừa cung khiến giá giảm

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định, ngành đường Việt Nam đang phải đấu tranh để sinh tồn vì đầu ra bị thu hẹp và sự cạnh tranh không công bằng của các loại đường nhập lậu.

Đường nhập lậu tăng quá cao, đẩy thị trường đường vào thế khó.

Theo ông Lộc, hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng nổ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng kỷ lục đường lậu (nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan) bị các cơ quan chức năng phát hiện trong những tháng đầu năm 2024, đã bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được.

“Trong bối cảnh sức cầu đường kém do ảnh hưởng chung của kinh tế, lượng đường lỏng siro ngô nhập khẩu gia tăng càng làm thu hẹp thị phần đường từ mía trong ngành nước giải khát. Đường làm từ mía còn phải chịu áp lực ép giá kìm giá của các loại đường lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm đường nhập lậu và đường gian lận xuất xứ, đây đều là những loại đường giá rẻ vì có bản chất là đường phá giá xuất xứ Thái Lan”, Chủ tịch VSSA cho hay.

Ông Lộc dẫn chứng thông tin từ Tổ chức Đường quốc tế ISO (International Sugar Organization) trong ấn bản chính thức Sugar Year Book 2023 cho thấy, tình hình sản xuất tiêu thụ đường lạ lùng tại Campuchia và Lào. Trong khi Campuchia và Lào đều nhập khẩu khối lượng đường lớn hơn khả năng tiêu thụ nhiều lần từ Thái Lan. Và từ Campuchia và Lào đã xuất hiện dòng đường xuất khẩu không rõ nơi đến (unknown destination) như sau:

Year

2020

2021

2022

Cambodia Import from Thailand

429,455

512,988

811,502

Laos Import from Thailand

117,156

136,569

457,242

Cambodia + Laos import from Thailand

546,611

649,557

1,268,744

Export unknown destination from Cambodia

200,000

300,000

350,000

Export unknown destination from Laos

25,000

100,000

320,000

 Total Export unknown destination from CPC + Laos

225,000

400,000

670,0

Dòng đường xuất khẩu không rõ nơi đến (unknown destination) nêu trên được xem là đường nhập lậu vào Việt Nam.

Năm 2023, Campuchia và Lào cũng nhập khẩu đường từ Thái Lan với khối lượng tương đương năm 2022, nghĩa là, năm 2023, khối lượng đường xuất khẩu không rõ nơi đến từ hai quốc gia này cũng khoảng 600.000 tấn. Như vậy, phần lớn lượng đường nhập khẩu thặng dư từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động nhập đường lậu đang diễn biến rất nghiêm trọng tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào, và bản chất đường nhập lậu vào Việt Nam chính là đường phá giá và trợ cấp xuất xứ từ Thái Lan.

“Giai đoạn 2022 - 2023, ước lượng cầu đường Việt Nam khoảng 2,1 - 2,2 triệu tấn. Nghĩa là đường nhập lậu đang chiếm đến khoảng 30% thị phần trong nước”, ông Lộc chỉ rõ.

“Thời điểm tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam còn tồn khoảng 65% sản lượng của vụ 2023/24. Chuỗi liên kết mía đường đang đứng trước mối nguy cơ bị hủy hoại”, ông Lộc cho biết thêm.

Chính vì tồn kho lớn cộng với đường nhập lậu liên tục tăng đã đẩy ngành đường vào thực trạng thừa cung, theo đó, giá đường trong nước đang diễn biến theo chiều giảm.

Ông Lộc thông tin, tất cả các nguồn cung đường chính bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu kinh doanh chính ngạch, đường nhập lậu, đường nhập khẩu gian lận xuất xứ, đường lỏng si rô ngô HFCS đều ghi nhận tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ.

“Ngoài dư cung thì giá đường trên thị trường quốc tế cũng đang có diễn biến giảm từ đầu năm đến nay cũng tác động đến giá đường trong nước. Nếu hai nguyên nhân này không thay đổi, giá đường khó tránh được xu hướng giảm giá kéo dài”, ông Lộc phân tích.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt

Cho rằng, việc đưa đường lậu có nguồn gốc Thái Lan qua biên giới Campuchia - Việt Nam đã hình thành đường dây có tổ chức, có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động để đối phó với các cơ quan chức năng, ông Lộc chỉ rõ số lượng đường lậu bị thu giữ vẫn rất “khiêm tốn” so với số lượng vận chuyển trót lọt vào nội địa. Mặt khác, công tác mật phục thường chỉ bắt được người vận chuyển thuê, với các vụ nhỏ lẻ, không bắt được các đối tượng chủ hàng. Vì vậy, công tác xử lý chỉ dừng lại ở tính chất xử phạt vi phạm hành chính, không nhiều vụ bị khởi tố, điều tra.

“Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhiều lần báo cáo đến các cơ quan Nhà nước về tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu. Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động thương mại đường nhập lậu có diễn biến gia tăng đột biến tại khu vực các tỉnh biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia. Nhưng trong ngắn hạn vẫn rất khó khắc phục các vấn đề nêu trên”, ông Lộc nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn nạn tồn kho trong nước cũng như tình hình nhập lậu đường ngày càng tăng cao, trước mắt Chủ tịch VSSA kiến nghị cần vận dụng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật hiện hành để xử lý các bất cập và khe hở pháp luật đang bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận thương mại.

Thứ nhất, ông Lộc cho rằng, phương thức xử lý đường nhập lậu bị tịch thu không phù hợp với quy định an toàn thực phẩm khi một số địa phương tổ chức tiêu hủy, một số địa phương lại tổ chức bán đấu giá để bổ sung công quỹ và hợp pháp hóa đưa đường lậu quy trở lại thị trường. Trong khi hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi bị cấm.

Thứ hai, chỉ xử lý hành chính các hành vi nhập lậu và gian lận thương mại đường lậu khiến cho việc xử lý không có tính răn đe. Thực tế cho thấy, các đầu nậu buôn lậu đường đều thực hiện nhiều lần hành vi qua nhiều năm, và đến nay hầu như “bất khả xâm phạm”.

Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý hoạt động san chia đóng gói đường và sản xuất đường phèn. Theo ông Lộc, hoạt động này có những dấu hiệu vi phạm pháp luật, như không có giấy phép của nhà sản xuất và không ghi tên, địa chỉ của công ty sản xuất ra đường, trong khi việc san chia, sang chiết để đóng gói phải có giấy phép của nhà sản xuất ra hàng hóa. Thêm nữa là không tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hóa, thậm chí đường được đóng trong bao giấy hoặc nhựa trơn không có thông tin (thực chất là từ đường lậu) vẫn thoải mái lưu hành trên thị trường. Hay như việc không thực hiện truy xuất nguồn gốc nên hoạt động sản xuất đường phèn có thể thoải mái sử dụng đường lậu để sản xuất.

“Có một điều chắc chắn là hầu hết cơ sở sản xuất đường phèn đều không mua đường sản xuất từ mía của các nhà máy, nhưng vẫn duy trì hoạt động bình thường năm này qua năm khác”, Chủ tịch VSSA khẳng định.



Báo cáo phân tích thị trường