Mất mùa được giá, xuất khẩu cà phê 2024 thiết lập kỷ lục mới
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12 đạt 127.655 tấn, tăng vọt gấp đôi tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 38,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng hơn 1,34 triệu tấn cà phê các loại, giảm mạnh 17,1% so với năm 2023 và là mức thấp nhất trong 9 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng trong niên vụ 2023 - 2024 vừa qua ước giảm 6% so với niên vụ trước đó, chỉ đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn.
Tuy nhiên, do giá cà phê tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới 5,6 tỷ USD, vượt 32,5% so với kỷ lục cũ là 4,24 tỷ USD đạt được trong năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2024 đạt 4.178 USD/tấn, tăng gần 60% so với năm 2023. Năm vừa qua, giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng ngay từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành hàng là 5.720 USD/tấn vào tháng 10, sau đó hạ nhiệt và giảm xuống còn trung bình 5.378 USD/tấn vào tháng 12.
Về thị trường, nhìn chung xuất khẩu cà phê sang các thị trường tiêu thụ chính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga... đều ghi nhận sự sụt giảm về lượng nhưng tăng mạnh về kim ngạch.
Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 vừa qua, chiếm 39,3% về lượng và 38,4% về kim ngạch, đạt 528.582 tấn, kim ngạch 2,15 tỷ USD, giảm 12% về lượng nhưng lại tăng đến 45,6% về kim ngạch so với năm 2023.
Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam nói chung và trong khối EU nói riêng gồm: Đức, Italy và Tây Ban Nha, đạt kim ngạch lần lượt là 602,9 triệu USD, 459,6 triệu USD và 444,8 triệu USD, tăng 31,6%, 41,3% và 75,4% so với năm trước.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga cũng tăng lần lượt 30,7%, 10,2% và 25% dù khối lượng giảm tương đối mạnh.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Campuchia... tăng trưởng mạnh ở mức hai đến ba con số cả về lượng và kim ngạch so với năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu liệu có tiếp tục tăng trong năm 2025?
Sau khi tăng cao vào năm ngoái, giá cà phê trên thị trường nội địa Việt Nam đã có sự điều chỉnh giảm vào đầu năm 2025 và cũng là thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất tỵ.
Tính đến ngày 14/1, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 114.700 – 115.500 đồng/kg, mức thấp nhất trong một tháng qua và giảm 4,2% (5.000 đồng/kg) so với cuối năm 2024. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn đến 70% (44.100 – 44.600 đồng/kg) so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch ngày 14/1, giá cà phê robusta hợp đồng giao kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn London đứng ở mức 4.902 USD/tấn, giảm nhẹ 0,4% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn cao hơn 65,3% so với cùng kỳ tháng 1/2024.
Ngược lại, trên sàn New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 đã tăng 1,5% so với cuối năm ngoái và tăng 81,1% so với cùng kỳ tháng 1/2024, đạt 325,95 US cent/pound.
Điều kiện thời tiết khô hạn ở Brazil tiếp tục hỗ trợ đà tăng của giá cà phê arabica, trong khi nguồn cung tại Việt Nam cải thiện đã gây áp lực giảm giá lên cà phê robusta.
Thông tin với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, hơn 70% diện tích đã thu hoạch xong và sẽ đạt khoảng 90% diện tích trước Tết Nguyên đán. So với thông thường nhiều năm thì năm nay, vụ thu hoạch muộn hơn khá nhiều.
Về sản lượng, các dự báo ban đầu ước tính mức sụt giảm từ 10 - 15%, nhưng đến thời điểm này có thể lạc quan sản lượng chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ niên vụ trước.
"Sản lượng tốt và giá cà phê vẫn ở mức cao giúp nông dân trồng cà phê có thu nhập tốt. So với nhiều nông sản khác, cà phê có đặc điểm là bảo quản trong điều kiện bình thường trong thời gian 3 - 5 năm chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng. Do nông dân thu hoạch xong nhưng không vội bán, nên hàng hóa nhiều mà giao dịch ít. Đó là lý do trong quý 4/2024, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Hải lý giải.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Rabobank, giá ca cao và cà phê robusta đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, trong khi arabica lên mức cao nhất kể từ năm 1977 do điều kiện thời tiết bất lợi và nguồn cung thắt chặt ở các khu vực sản xuất chính.
Các nhà nghiên cứu của Rabobank cho rằng, những mặt hàng này đang được giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất, nên sản lượng sẽ tăng và nhu cầu sẽ giảm trong năm nay. Ngoài ra, việc EU tạm hoãn triển khai Quy định phá rừng (EUDR) được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho thị trường.
Còn theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cà phê thế giới sẽ điều chỉnh giảm trong năm 2025 do nguồn cung phục hồi.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 sẽ phục hồi nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia. Bên cạnh đó, thị trường vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil có thể phục hồi khi lượng mưa tại các vùng trồng cà phê chính sẽ cải thiện.
Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước châu Âu cũng sẽ tạm lắng xuống khi quy định EUDR được hoãn thời điểm bắt đầu thi hành sang cuối năm 2025.
Mặc dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới gia tăng.