Ngoài các trạm thu mua sữa được đặt tại tỉnh từ trước của một số doanh nghiệp như Vinamilk, Foremost… thì tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện một số “đại lý” chuyên thu gom sữa bò nguyên liệu trong dân. Đây là một trong những lý do khiến không ít người chăn nuôi bội tín với các đối tác đã và đang ký hợp đồng thu mua sữa.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng thì hiện tại, giá sữa tươi nguyên liệu được các cơ sở vãng lai thu mua ngay tại cơ sở chăn nuôi những trên dưới 8.000 đồng/kg – cao gần gấp đôi so với giá sữa bình quân trong vòng một năm qua. Trong khi đó, các đơn vị ký hợp đồng thu mua sữa bò nguyên liệu với nông dân tuy có điều chỉnh mức giá nhưng về cơ bản là vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường (lý do là đã ký hợp đồng thỏa thuận về giá cả trước đây rồi).
Theo kế hoạch, đến năm 2010, Lâm Đồng phấn đấu đạt tổng đàn bò sữa thuần trên 7.300 con. Như vậy, con số trên 3.000 con bò sữa (trong đó, bò cái chỉ 1.500 con) hiện nay là con số quá nhỏ; đồng thời, sản lượng sữa tươi chỉ trên 6.400 tấn mỗi năm (trong hiện tại) cũng là con số không phải là lớn so với nhu cầu sữa nguyên liệu hiện nay của các cơ sở chế biến. Quả thực, thị trường sữa đang “nóng” là vậy. Song, cũng cần nhắc lại chuyện bò sữa – sữa bò những năm 2003 – 2004 trong cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Những năm đó, do giá sữa thị trường giảm mạnh nên đàn bò sữa bị ảnh hưởng khá nặng nề. Nhà chăn nuôi phải mang sữa đến tận trạm thu mua năn nỉ bán với giá bọt bèo nhưng vẫn phải nhận sự nhạt lạnh của nhà chế biến.
Từ hiện tượng trên, nhìn rộng ra đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi khác và nhìn rộng ra ngoài tỉnh Lâm Đồng, thì thấy rằng quy luật thị trường ngày càng chứng tỏ sự khắc nghiệt của nó. Vậy, vấn đề ở chỗ không phải chỉ “ép” nhà sản xuất hay “ép” nhà thu mua mà quan trọng hơn là cung cách hợp đồng làm ăn theo quy luật thị trường.