Vẫn ở mức độ thấp
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Phúc, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT và CNTT ( nay là Viện Chiến lược Truyền thông & Thông tin), Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, hiện có 95% các bộ, ngành và các tỉnh thành có trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, hầu hết các trang web mới ở giai đoạn cung cấp thông tin chung về đơn vị.
Các dịch hành chính công trực tuyến còn ở mức thấp, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp có bốn giai đoạn, nhưng tới thời điểm này, việc ứng dụng mới ở giai đoạn giai đoạn 1 (giai đoạn xuất hiện đưa thông tin).
Kết quả điều tra việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2006 tại 21 tỉnh thành và một số bộ ngành cũng phản ánh đúng hiện trạng này.
Có tới 99,6% cơ quan nhà nước sử dụng máy tính. Con số này là cao, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức tự động hóa văn phòng, ít những ứng dụng tiên tiến. Hơn thế, mới chỉ có 51% số cán bộ, công chức sử dụng máy tính thường xuyên.
Mức độ sử dụng internet trong các cơ quan nhà nước là 76%, song số cán bộ sử dụng internet thường xuyên chỉ chiếm 48%. Có 44% số cơ quan nhà nước có bộ phận chuyên trách về CNTT và chỉ có 21% số cơ quan nhà nước có giám đốc CNTT.
Pháp lý kém, mục tiêu chưa sát thực tế
Các chuyên gia có mặt tại hội thảo cho biết, năm 2006, nhà nước đã ban hành 2 luật liên quan đến CTTT là Luật Giao dịch Điện tử và Luật CNTT. Nhiều nghị định dưới luật cũng lần lượt được ra đời. Song, tới giờ này, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu. Một số cơ chế kinh tế, tài chính, đầu tư không phù hợp với đặc thù CNTT chưa được sửa đổi hoặc có quy định mới.
Các cơ quan chức năng cũng không có cơ chế đôn đốc xử lý chậm trễ các dự án dẫn tới việc có tới 13/14 dự án trọng điểm trong giai đoạn 2003-2006 chưa thực hiện thành công. Hơn nữa, các dự án còn độc lập, thiếu tổ chức phối hợp, các công tác lập kế hoạch ứng dụng CNTT còn lúng túng, thiếu sức mạnh tổng hợp.
Trình độ và năng lực của đội ngũ chuyên gia về CNTT cũng còn nhiều còn hạn chế, thiếu các kỹ năng về quản lý dự án, thiếu kỹ năng về quy trình làm việc, v.v…
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn tới việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước chậm là do các mục tiêu đặt ra chưa bám sát thực tế. Các dự án có nội hàm rộng, mục tiêu không rõ ràng, khó xây dựng, khó triển khai.
Mục tiêu cho năm 2010
Cũng tại hội thảo, TS Phúc cho biết, theo dự thảo “Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010”, từ nay đến 2010, 50% văn bản thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phải được lưu chuyển trên mạng, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh phải có cổng thông tin điện tử, 30% doanh nghiệp báo cáo qua mạng, ...
Ngoài ra, các tỉnh phải cung cấp tối thiểu ba dịch vụ hành chính công trực tuyến, các thành phố trực thuộc trung ương cung cấp năm dịch vụ, Hà Nội, TP.HCM cung cấp mười dịch vụ. Các dịch vụ hành chính công trực tuyến này phải ở mức độ ba (điền gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ, xử lý và giao dịch hồ sơ qua mạng).
Ông Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho rằng, các con số này là có thể thực hiện được khi các bộ ngành, địa phương cùng thống nhất quan điểm: ứng dụng CNTT hướng tới chính phủ điện tử là quá trình lâu dài, các ứng dụng CNTT luôn phải đi trước một bước và gắn liền với các cải cách hành chính.