Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp nào để DNNVV tăng sức cạnh tranh
30 | 11 | 2007
Phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên môi trường đầu tư của các DN còn chưa đồng đều đặc biệt ở khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung chủ yếu của các DN nông thôn. Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Lưu, Phó Chủ tịch Hiệp hội các DNNVV Việt Nam về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư của các DNNVV cuả Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Hoàng Lưu: Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005 đã có những tác động tích cực đến quá trình phát triển DN của Việt Nam, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho tất cả các loại hình các DN. Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 250.000 DN đăng ký thành lập, không kể 3 triệu hộ kinh doanh các thể. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2007, đã có 20.300 DN thành lập, đăng ký kinh doanh với số vốn 135.000 tỷ đồng và ước tính cả năm 2007 sẽ có khoảng 50.000 DN thành lập với tổng số vốn đăng ký là 350.000 tỷ đồng.

Theo Nghị định của Chính phủ về trợ giúp các DNNVV: Phát triển DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, môi trường đầu tư của các DN còn chưa đồng đều đặc biệt ở khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung phần lớn các DN nông thôn. Các DNNVV còn nhiều hạn chế, phải đối mặt với nhiều thử thách như nguồn lao động, vốn, và các tác động khác của môi trường đầu tư.

PV: Nguyên nhân nào dẫn đến môi trường đầu tư của các DNNVV tại các địa phương không đồng đều, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Lưu: Môi trường đầu tư của các DNNVV còn hạn chế do nhiều nguyên nhân:

- Thứ nhất là do khả năng tiếp cận thông tin, đất đai và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu khoa học khiến cho thời gian đăng ký kéo dài, bất lợi cho các DN.

- Thứ hai là các thông tin về quy hoạch kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành, địa phương còn chưa phổ biến đến các DN để có điều kiện tham gia đầu tư.

- Thứ ba là trình độ cán bộ tham gia vào quy trình giải quyết các thủ tục hành chính còn hạn chế, gây khó khăn cho DN trong việc triển khai các dự án đầu tư.

- Thứ tư là tình trạng phát triển kinh tế không đồng đều, chính sách của từng vùng, miền khác nhau nên dẫn đến môi trường đầu tư khác nhau.

- Thứ năm là tính liên kết hợp tác kinh doanh của các DNNVV còn kém nên chưa huy động được nguồn vốn dồi dào, cơ sở hạ tầng vững chắc để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

PV: Vậy cần có giải pháp nào để cải thiện môi trường đầu tư, giúp các DNNVV tăng sức cạnh tranh, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Lưu: Năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu triển khai Kế hoạch phát triển DNNVV tại địa phương và thành lập Ban điều phối thực hiện như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Trà Vinh…

Bên cạnh đó, để cải thiện môi trường kinh doanh của các DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta cần phải có những giải pháp sau:

Nhà nước cần tăng cường đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các quy định về thủ tục hành chính trong ba khâu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu cho DN.

Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh đầu tư đối với việc cung cấp thông tin về thị trường, thông tin môi trường đầu tư đến các DN.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, quảng bá cho các DN để thu hút đầu tư.

Nhà nước tăng cường hỗ trợ về nguồn vốn để DN có cơ hội đổi mới, thay thế trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nâng cao năng lực, trình độ quản lý cũng như trình độ của người lao động.

Tăng cường sự liên kết giữa các DN nghiệp tạo nên một sức mạnh tổng hợp, tăng sức hấp dẫn đầu tư đối với các DN.

PV: Được biết, Hiệp hội các DNNVV Việt Nam cũng đã tăng cường công tác hợp tác quốc tế nhằm giúp các DN có cơ hội xúc tiến thương mại. Công tác đó được triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Lưu: Thông qua các quan hệ của mình, Hiệp hội đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi tham quan, khảo sát và tiếp thị tại nước ngoài: Tổ chức đoàn đi dự hội chợ Koblenz-CHLB Đức (1995); Tổ chức đoàn DN tham quan, khảo sát thị trường Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan (1996,1997) ; Tổ chức đoàn DN đi dự Hội chợ thương mại quốc tế SMIOS tại Malaixia (6/2002); Tổ chức đoàn DN Việt Nam đi dự Hội chợ DNNVV tại Kuala Lumpur, Malaixia…

Bên cạnh việc tổ chức cho các đoàn DN đi tham quan thị trường nước ngoài, hiệp hội còn tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, Hiệp hội còn tạo điều kiện cho các DN trong nước tiếp xúc với nhiều tổ chức, DN châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan Thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp với phòng Thương mại các quốc gia tiếp đón các DN nước ngoài đến thăm và làm việc với các DN Việt Nam, tạo cơ sở tiến tới quan hệ hợp tác, làm ăn lâu dài.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!



Theo www.cpv.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường