Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Làm gì để năm 2010 đạt 5,5 tỷ USD?
26 | 06 | 2007
SGGP-09/10/2006) - Một chiến lược phát triển tổng thể các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước trong giai đoạn đầu Việt Nam (VN) gia nhập WTO từ nay đến năm 2010 đã được xác lập, trong đó riêng ngành chế biến gỗ ^phải đạt kim ngạch xuất khẩu là 5,5 tỷ USD.

9 tháng đầu năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khá cao, đạt hơn 1,35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2005.

Với con số này, ngành gỗ VN đã vươn lên vị trí thứ 4 trong khối các nước Đông Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan) trong cuộc đua thị phần xuất khẩu đồ gỗ.

Sản phẩm của VN đã xuất khẩu sang 120 nước, trong đó EU, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng sản phẩm gỗ xuất khẩu của cả nước.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới hiện vẫn tăng khá cao, trong khi đó, thị phần đồ gỗ của VN chưa đạt tới con số 1% (khoảng 0,78%) tổng thị phần đồ gỗ thế giới.

Theo Bộ Thương mại, sau khi VN gia nhập WTO, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của VN được giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như giảm thuế xuất khẩu sản phẩm hàng hóa vào thị trường các nước. Đây là một trong những yếu tố tạo ra lợi thế kinh doanh trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá khá cao đối với Trung Quốc cũng là một trong những lợi thế để các DN tăng cường xuất khẩu vào thị trường này. Vấn đề đặt ra là liệu các DN có tận dụng được lợi thế này hay không?

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến Gỗ TPHCM (Hawa) nhìn nhận, ngoài những lợi thế nêu trên, VN còn nhiều thế mạnh khác mà chúng ta chưa tận dụng hết, đó là, VN có nguồn nhân công dồi dào, có các cảng biển trải dài trên địa bàn cả nước, rất phù hợp cho việc vận chuyển những container cồng kềnh, chiếm nhiều vị trí như đồ gỗ.

Gần đây, ngành gỗ chế biến cũng đã và đang bắt đầu hình thành từng cụm, từng khu vực, hoạt động sản xuất khá hiệu quả trên địa bàn cả nước.

Làm gì để đạt 5,5 tỷ USD?

Ngành công nghệ chế biến gỗ xuất khẩu được xếp thứ 6 trong danh mục những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của cả nước. Kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu của ngành này cũng đang dẫn đầu trong các mặt hàng xuất khẩu.

Nếu tính chung giai đoạn từ năm 2001-2005, kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ đạt hơn 38%/năm. Bộ Thương mại cũng đã đề ra chiến lược phát triển đến năm 2010, ngành này phải đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, khi VN gia nhập WTO thì con số này có thể thực hiện được, với điều kiện ngành phải có những nỗ lực rất lớn, đồng thời phải khắc phục ngay những nhược điểm.

Trước hết, đó là sự tăng trưởng thiếu tính bền vững và mất cân đối giữa các thành phần DN. Cả nước hiện có khoảng 1.200 DN, trong đó có 200 DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Dù chiếm tỷ lệ khá nhỏ, nhưng năng lực xuất khẩu của các DN này hiện đang chiếm tới gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Chỉ riêng Công ty Kaiser (Bình Dương), dù mới chỉ đưa vào hoạt động một phần công suất của nhà máy, nhưng mỗi tháng công ty này đã xuất khẩu 600 container.

Đến cuối năm nay, Kaiser sẽ hoàn thành dự án 100ha nhà xưởng, thì chắc chắn DN này góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành lên tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Một khó khăn khác, đó là sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu vẫn chưa khắc phục được, mặc dù vấn đề này đã được báo động từ nhiều năm qua.

Theo tính toán của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, nguyên liệu dùng cho ngành chế biến gỗ hiện mới chỉ đáp ứng được 20%, số còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Kể từ năm 2005 đến nay, 2 nước Malaysia và Indonesia đã đóng cửa mặt hàng gỗ xẻ, gây nhiều khó khăn cho các DN vừa và nhỏ. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5%-7%, đặc biệt gỗ cứng đã tăng từ 30%-40%, làm cho nhiều DN rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp.

Để khắc phục khó khăn, một số DN trong nước đã bắt tay với các đối tác cung cấp nguyên liệu gỗ như Công ty Sản xuất Thương mại dịch vụ Sài Gòn – Đắc Lắc (Sadaco) đã kết ký với một tập đoàn của Canada để có thể ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất trong một năm.

Tương tự, Công ty Shophy cũng đã mua rừng ở châu Phi để khai thác… Bên cạnh đó, còn rất nhiều DN vừa và nhỏ, không đủ lực, họ đang rất cần sự trợ giúp của nhà nước.

Do vậy, việc tổ chức các chợ nguyên liệu theo từng vùng, miền để họ đỡ bị động trong khâu nguyên liệu là một vấn đề rất cấp thiết.

Tại Trung Quốc đã triển khai các chợ nguyên liệu. Các chợ này đều được đặt tại các địa điểm thuận tiện cho việc chuyên chở, có bảng báo giá cụ thể từng loại gỗ trong nước và giá gỗ giao dịch trên thế giới, có thông tin về xu hướng tiêu dùng trên thế giới, giúp các DN từ đó có cách điều chỉnh sản xuất phù hợp. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần triển khai triệt để dự án trồng 5 triệu ha rừng càng sớm, càng tốt.

Chúng ta vốn có thế mạnh về nguồn nhân lực, nhưng trong những năm gần đây, việc thiếu hụt nhân lực cho ngành này vẫn đang là vấn đề nan giải của nhiều DN. Ngành chế biến gỗ là một ngành có thế mạnh xuất khẩu của VN nhưng đến nay chúng ta vẫn loay hoay với chuyện thiếu nguyên liệu và nhân lực thì quả là một điều rất khó hiểu?

Trong 9 tháng đầu năm 2006, có khá nhiều đơn hàng đến với các DN nhưng ngay cả các đại gia cũng phải từ chối do không đáp ứng được số lượng đơn hàng quá lớn.

Nhưng cũng có không ít DN lận đận, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản vì các lô hàng liên tục bị mắc lỗi. Để phát triển, các DN trong ngành chế biến gỗ cần phải hướng đến sự liên kết sản xuất theo chuỗi, tức mỗi DN sẽ làm một khâu để hoàn chỉnh sản phẩm.

Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi các DN trong cùng một ngành có sự liên kết để sản xuất thì mới tập trung được sức mạnh, tăng khả năng xuất khẩu. Bằng không, DN nào đứng ngoài cuộc sẽ bị đào thải. Cơ chế thị trường rất khắc nghiệt, nó luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, trong khi giá thành phải giảm để cạnh tranh.

Theo nhận định của các chuyên gia Canada trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đồ gỗ, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của VN đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển.

Bằng chứng là đã có rất nhiều đầu mối cung cấp gỗ nguyên liệu của Canada, Mỹ và một số nước Bắc Mỹ đặt văn phòng đại diện tại VN. Nếu Nhà nước tập trung sức mạnh cho ngành này, còn các DN biết liên kết, tạo sức mạnh tổng hòa để tăng tốc xuất khẩu, thì kim ngạch 5,5 tỷ USD vào năm 2010 là hiện thực.

Vấn đề quan trọng là kim ngạch này có phản ánh đúng giá trị thực của nó hay các DN trong nước chỉ xuất khẩu trong điều kiện hòa vốn? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược, chính sách của nhà nước và các bộ, ngành chức năng.

(Nguon tin: SGGP)



Báo cáo phân tích thị trường