Thưa Thứ trưởng, CCHC của Bộ Công Thương có vai trò ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động SX- KD của doanh nghiệp (DN) và doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại và nói rộng ra là cả nền kinh tế nước ta hiện nay?
CCHC của Bộ Công Thương có vị trí, vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay, bởi sản xuất - kinh doanh (SX - KD) của ngành công thương đóng góp trên 60% tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước. Hơn nữa, ngành Công Thương lại có liên quan mật thiết, trực tiếp đến hoạt động SX - KD của DN và người dân. Từ công việc nhỏ nhất như các chợ xóm, chợ bản ở nông thôn, miền núi đều liên quan đến Bộ Công Thương hay các dự án lớn như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy thủy điện Sơn La, nhà máy luyện cán thép… hàng trăm triệu USD và thậm chí tỉ USD cũng đều “đụng” đến Bộ Công Thương, cho nên CCHC của Bộ Công Thương mà làm tốt sẽ khích lệ DN và nhân dân đầu tư mạnh mẽ vào phát triển SX- KD công nghiệp, thương mại. Ngược lại Bộ Công Thương làm không tốt CCHC, không chuyển hướng phục vụ nhân dân và DN tốt hơn, nhanh hơn và không bảo đảm công khai, minh bạch thì tác động sẽ ngược lại, thậm chí còn tạo nên trì trệ và quan ngại của người dân cũng như cộng đồng DN đối với SX – KD, cũng như cả nền kinh tế nói chung. Cho nên theo chỉ đạo của Chính phủ, CCHC phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, gắn liền với cải cách thể chế và nâng cao năng lực của cán bộ công chức cùng với thực hiện chế độ cơ chế “một cửa” để tạo nên một mặt bằng mới trong môi trường SX - KD của DN và doanh nhân…
Thứ trưởng đã từng nhiều năm làm DN và cũng nhiều năm là người trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC quản lý nhà nước. Vậy theo Thứ trưởng, mục tiêu mà DN và người dân cần nhất ở CCHC là gì?
Chúng ta rút ra một bài học, nếu làm tốt vai trò chuyển từ CCHC đơn thuần sang phục vụ DN và nhân dân là mục tiêu tối thượng của CCHC, một nền hành chính quốc gia thịnh vượng là phục vụ tốt nhất cho DN, doanh nhân và người dân.
Tại hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2007, đại diện Bộ Nội vụ đã đánh giá CCHC của Bộ Công Thương đi vào thực chất, giải quyết những công việc cụ thể những vướng mắc trở ngại khi doanh nghiệp và người dân yêu cầu. Còn Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác CCHC và cơ chế “một cửa” của Bộ Công Thương thực hiện trong năm qua?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai, kế thừa phát huy CCHC trước đó của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại (cũ), tạo cho năm 2007 công tác này của Bộ Công Thương chuyển biến một cách tích cực. Thứ nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng được nhiều văn bản quy phạm pháp luật, rồi thể chế hóa những quy định, văn bản pháp luật vào cuộc sống bằng những thông tư, hướng dẫn. Ví như việc Bộ Công Thương triển khai Luật Điện lực, các thông tư hướng dẫn về vấn đề điện lực. Bộ Công Thương cũng đã tham gia xây dựng và được Quốc hội vừa thông qua Luật Hóa chất, đồng thời chuẩn bị sửa đổi Luật Dầu khí, đưa ra các thông tư, những quyết định của Bộ Công Thương về quản lý các sản phẩm có liên quan đến điều kiện SX - KD như: thuốc lá, vật liệu nổ, bán hàng đa cấp và vấn đề phân phối lưu thông một số mặt hàng quan trọng khác. Để CCHC đạt yêu cầu thiết thực, Bộ Công Thương cũng đã rà soát các mâu thuẫn, những phiền hà chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những văn bản và thực hiện thông tin điện tử hóa trong việc điều hành (tức đưa thông tin trang web, internet, mạng LAN của bộ vào xử lý, điều hành trực tuyến). Rồi Bộ Công Thương cũng áp dụng ISO, thể chế hóa các công đoạn trong quản lý nhà nước, chú trọng cải cách tài chính công, hiện đại hóa công sở, tích cực đào tạo cán bộ công chức và yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện đúng quy trình, bảo đảm hoạt động thống nhất, nhanh gọn và hiệu quả các khâu… Có thể nói năm 2007 là năm đánh dấu sự chuyển biến tích cực của ngành Công Thương đối với CCHC, được Chính phủ cũng như Ban thường trực CCHC của Nhà nước đánh giá là một bộ đi đầu trong thực hiện công nghệ thông tin, đi đầu trong CCHC và bước đầu thực hiện tốt cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động SX - KD của DN, doanh nhân.
Năm 2007 cũng là mốc đánh dấu việc thành lập Bộ Công Thương. Theo Thứ trưởng, năm qua Bộ Công Thương làm thành công nhất vấn đề gì, việc tổ chức sắp xếp bộ máy hay xây dựng quy chế làm việc cho các đơn vị cơ quan của Bộ?
Việc hợp nhất Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp thành Bộ Công Thương theo Nghị quyết của Quốc hội đến nay vẫn chưa có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, nhưng lãnh đạo Bộ vẫn nhanh chóng sắp xếp ổn định tổ chức. Những vụ có chung nhiệm vụ cần phải sáp nhập thì lãnh đạo Bộ đã có quyết định hợp nhất ngay, như các vụ: Tổ chức cán bộ, Văn phòng, Thanh tra, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính - Kế toán, đồng thời chỉ định ngay người phụ trách. Thế rồi Bộ cũng nhanh chóng xây dựng chức năng, chức trách, quy chế làm việc để khi có Nghị định của Chính phủ thì đã có chuẩn bị sẵn sàng cho bước tiếp theo. Đồng chí Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận bàn giao của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Bộ trưởng Bộ Thương mại từ ngày 8/8/2007. Từ đó, lãnh đạo của Bộ triển khai công việc khá thuận lợi. Bây giờ chuẩn bị kiện toàn bước 2, tiếp tục: tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ, xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp, rồi chức năng, chức trách tránh chồng chéo, tăng cường khả năng quản lý, nhất là quản lý nhà nước đối với các cơ quan của Bộ. Việc Bộ Công Thương nhanh chóng ổn định tổ chức, đi vào hoạt động sớm cũng được Chính phủ đánh giá cao về việc đưa thường xuyên công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo không khí đoàn kết thống nhất cao. Kết quả toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ như công nghiệp tăng trưởng trên 17%; XK tăng 21%; luân chuyển hàng hóa trong nước tăng 23%. Và tiếp nhận triển khai nhiều dự án lớn trong ngành Công Thương của đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước…
Năm 2008 và những năm sau nữa, Bộ Công Thương tập trung thực hiện những nhiệm vụ nào về CCHC và cơ chế “một cửa” thưa Thứ trưởng?
Bộ vừa có tổng kết đánh giá công tác CCHC trong năm qua và đặt ra cho năm 2008 cũng như những năm tiếp theo tập trung một số nhiệm vụ trọng yếu như sau: Thứ nhất: Tiếp tục đầu tư để cải cách thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ưu tiên làm những văn bản mới phục vụ cho hội nhập cũng như yêu cầu quản lý. Thứ hai: Điều chỉnh và bổ sung những cái cũ không còn phù hợp trong điều kiện hội nhập và trong điều kiện thực tiễn, chỉnh sửa để tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động của người dân và DN. Thứ ba: Rà soát các khâu về CCHC, về thủ tục hành chính, cơ chế “một cửa” để loại bỏ những bất hợp lý trong phân cấp, sự ủy quyền. Thứ tư: Tiếp tục đưa công nghệ thông tin vào quản lý. Đưa công nghệ thông tin vào thì có “câu chuyện” phải nối mạng, sử dụng Internet và chúng ta phải có phần mềm quản lý để đưa những mẫu biểu và các hướng dẫn vào trang Web, rồi sau đó tiếp tục ký chữ ký điện tử để có thể cấp phép trên trang điện tử của Bộ Công Thương trong tương lai. Thế rồi phải phát triển mạnh thương mại điện tử (TMĐT) ở cổng TMĐT trong nước ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và có thể cả ở nước ngoài. Có nghĩa là những năm tới phát triển TMĐT phải được đề cập mạnh, bởi đó chính là kênh rút ngắn quy trình kinh doanh của DN và phục vụ phát triển thị trường. Phát triển TMĐT ở trong nước cũng như ở nước ngoài giúp cho DN Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam hay ở các nước đều có thể biết được thị trường Việt Nam, biết rõ giá cả, hàng hóa Việt Nam để tham gia vào hoạt động của ngành Công Thương. Thứ năm: Để tiếp tục hoàn thiện quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, năm 2008, chúng ta tiến đến thực hiện ISO và 5S cho toàn bộ các lĩnh vực hoạt động quản lý của Bộ. Áp dụng những quy trình này, các công chức, viên chức phải thực hiện đúng “quy nát” trong thi hành công vụ, đảm bảo cho hoạt động của Bộ Công Thương không những làm tốt chức năng quản lý nhà nước, nhưng đồng thời hướng phục vụ DN, doanh nhân tốt hơn. Tại Hội nghị tổng kết của ngành Công Thương sắp tới, Lãnh đạo Bộ Công Thương có đưa chương trình CCHC, tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, rồi cơ chế “một cửa” để các DN, tập đoàn kinh tế, các doanh nhân đến dự hội nghị trao đổi thêm. Bộ Công Thương cũng hy vọng có thể phối hợp với các Sở Công nghiệp, Sở Thương mại, các DN trong và ngoài nước, các hiệp hội ngành hàng và địa phương đóng góp ý kiến để Bộ hoàn thiện những gì còn khiếm khuyết, bổ sung sửa đổi những điều chưa hợp lý, nhằm làm cho quản lý nhà nước, và thực hiện cơ chế “một cửa” cùng với CCHC của Bộ Công Thương có tác dụng tốt trực tiếp đến người dân và DN.
Thứ trưởng nhấn mạnh nhiều đến phát triển TMĐT. Phải chăng Bộ Công Thương muốn lấy TMĐT làm điểm nhấn trong CCHC?
Trong hội nhập và cạnh tranh đòi hỏi Bộ Công Thương phải hiện đại hóa công sở và đẩy mạnh CCHC tất cả các khâu. TMĐT là một khâu phải làm lâu dài và phải làm thật tốt, vì không ai, không có bộ nào, ngành nào có thể làm thay Bộ Công Thương về thị trường TMĐT. Điều quan trọng muốn cho CCHC được tốt thì công nghệ thông tin phải được ứng dụng vào trong ISO trong quản lý thì mới xử lý nhanh ách tắc và bảo đảm các hoạt động của ngành Công Thương thông thoáng và nối mạng được xuống các Sở Công nghiệp, Sở Thương mại, nối mạng với các địa bàn, để Bộ Công Thương nắm bắt được mọi thông tin, kiểm tra, kiểm soát được những bất hợp lý, từ đó điều chỉnh kịp thời để phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của DN và doanh nhân, đồng thời ngăn ngừa được sự làm sai, làm ẩu…
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.