Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su thiên nhiên sẽ đạt 3 USD/kg năm 2008
15 | 02 | 2008
Mặc dù thị trường năm 2007 khá cân đối giữa cung và cầu, song dự báo cầu sẽ vượt cung từ năm 2008 do nhu cầu tiếp tục tăng mạnh mà nỗ lực tăng sản lượng của các nước sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Jom Jacob, nhà kinh tế cấp cao của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su cho rằng: “Không có yếu tố nào hỗ trợ cho xu hướng giảm giá. Tất cả đều có lợi cho xu hướng giá tăng”. Việc trồng mới cao su ở một số nước bị hoãn lại do thời tiết thất thường, hạn chế về đất trồng, nguồn nhân lực lao động cũng hạn chế, chi phí tiền lương cao và tình trạng an ninh bất ổn. Nguồn cung cao su thiên nhiên dự báo sẽ ngày càng khan hiếm.

Các nhà phân tích dự báo giá cao su sẽ tăng khoảng 18% trong năm tới, lên 3 USD/kg. Cao su RSS3 của Thái lan, loại thường được dùng làm giá tham khảo cho cao su physical, hiện đạt khoảng 2,5 USD/kg.

Nhu cầu mạnh, chủ yếu từ Trung Quốc, xuất phát từ kinh tế tăng trưởng nóng, sẽ là một trong những yếu tố đẩy giá tăng lên. Là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, năm 2006 Trung Quốc đã nhập khẩu 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên, để làm nguyên liệu sản xuất mọi thứ, từ lốp xe tới giày thể thao. Hiệp hội Cao su Trung Quốc cho biết có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ nội địa. Ngành lốp xe chiếm khoảng 60% tổng tiêu thụ cao su của nước này. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc năm 2007 ước tăng khoảng 12% so với 2,1 triệu tấn năm 2006. Từ 2007 đến 2010, dự báo nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 7 đến 10% mỗi năm.

Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm trong 4 năm qua. Diện tích và sản lượng cao su của nước này tăng liên tục, song vẫn phải nhập khẩu từ Đông Nam Á mới đủ đáp ứng nhu cầu. Arup Chandra, Giám đốc phục trách việc nghiên cứu và phát triển của Apollo Tyres, một trong những nhà sản xuất lốp xe chính của Ấn Độ cũng cho rằng giá tăng là điều không tránh khỏi. Ngành lốp xe Ấn Độ có doanh thu hàng năm 4,5 tỷ USD và sản lượng xe chở khách dự báo tăng 18% mỗi năm từ 2006 đến 2010.

Tiêu thụ cao su thế giới được dự báo sẽ tăng tới 9,7 triệu tấn năm 2007, tức là tăng khoảng 4% so với năm ngoái, tiếp tục tăng lên 10,1 triệu tấn vào năm 2008, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh, kéo theo các ngành hàng đều phát triển, kể cả hoạt động khai thác mỏ, đẩy nhu cầu lốp xe tăng lên. Do tiêu thụ tăng, cung sẽ trở thành vấn đề khó giải quyết. Cao su tổng hợp vẫn đắt vì nó được sản xuất từ dầu thô.

Về nhu cầu, Tập đoàn Nghiên cứu Cao su Quốc tế cho hay sản lượng cao su thế giới năm 2006 đạt 9,7 triệu tấn, và sản lượng năm nay và năm tới sẽ vẫn chỉ ở mức đó.

Sản lượng của Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, có thể giảm 1,5% xuống khoảng 3 triệu tấn trong năm 2007 do mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch mủ, và tình trạng bạo lực ở các tỉnh miền nam Thái lan, nơi chiếm khoảng 10% sản lượng cao su quốc gia. Nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, Indonexia, có thể chỉ duy trì mức sản xuất 2,8 triệu tấn của năm nay vào năm tới do những thay đổi thời tiết và năng suất thấp. Malaysia, nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới, có thể mất 250.000 hécta cây cao su trong giai đoạn 2008 đến 2020 do công nghiệp hoá mạnh mẽ và tăng diện tích trồng cọ dầu trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu sinh học đẩy giá mặt hàng này lên cao kỷ lục. Với các nước sản xuất như Việt nam, Lào và Campuchia cũng đang nỗ lực tăng sản lượng cao su do thiếu diện tích đất trồng, các nhà sản xuất sản phẩm cao su chắc chắn sẽ phải đương đầu với tình trạng giá tăng.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường