Tranh nhau mua lúa... |
Nông dân Đồng Tháp phấn khởi trúng mùa- trúng giá lúa đông xuân. |
Chiều 18-2, giới thương lái ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long… tìm mua lúa đông xuân tại ruộng với giá 3.900 - 4.100 đồng/kg; lúa chất lượng cao 4.300 - 4.400 đồng/kg; lúa thơm 4.500 - 4.600 đồng/kg… bình quân tăng 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Ngọc Ngự, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, phấn khởi: “3 ha lúa vừa thu hoạch xong được gần 22 tấn, bán cho thương lái với giá 4.400 đồng/kg; trừ chi phí còn lời khoảng 62 triệu đồng. Lời cao hơn vụ đông xuân năm ngoái khoảng 15 triệu đồng”. Bình Thành có 1.193 ha lúa, đến nay thu hoạch trên 90% diện tích, năng suất bình quân 7,5 tấn/ha.
Ông Lưu Văn Bút, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, mừng ra mặt: “Chưa năm nào thương lái tranh nhau mua lúa như hiện nay. Thu hoạch đến đâu là bán ngay tại ruộng đến đó, khỏi phải chở về nhà cực nhọc như những vụ trước. Bình quân lãi 20 - 22 triệu đồng/ha”. Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, đã có khoảng 20.000 ha/208.136 ha lúa đông xuân ở các huyện Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung, Tam Nông… thu hoạch xong.
Năng suất đạt 7 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 0,2 tấn/ha. Tại Kiên Giang, trên 60.000 ha lúa đông xuân ở các huyện thuộc bán đảo Cà Mau vừa thu hoạch xong, năng suất 5,6 tấn/ha. Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Kiên Giang, cho rằng: “Bán đảo Cà Mau là vùng bị nhiễm mặn, nhưng năng suất năm nay tăng đến 0,4 tấn/ha. Đây là điều đáng mừng. Trong tháng 3 và tháng 4 các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất… sẽ thu hoạch rộ, năng suất không dưới 6,5- 7 tấn/ha”. Tại Vĩnh Long, đến nay mới thu hoạch được 8.000 ha/68.000 ha. Ở An Giang, trên 231.000 ha lúa đông xuân phải sang tháng 3 mới thu hoạch…
Việc các tỉnh ĐBSCL thu hoạch chưa nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thị trường tăng cao, đã đẩy giá lúa leo thang vùn vụt. Anh Nguyễn Thanh Phương, thương lái xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò, Đồng Tháp), thở dài: “Chúng tôi phải tranh giành quyết liệt và nâng giá liên tục mới mua được lúa. Tuy nhiên, phải đợi 4- 5 ngày mới mua được đầy ghe, trong khi năm rồi chỉ mất 2 ngày”. Ông Trương Văn Ảnh, Giám đốc Công ty Lương thực Long An, thừa nhận: “Kế hoạch xuất 200.000 tấn gạo trong năm nay, nhưng đến giờ này công ty mua chưa được 20.000 tấn. Giá lúa gạo quá cao nên muốn mua không phải dễ”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2008, dự kiến xuất 4,5 triệu tấn gạo, kim ngạch khoảng 1,7 tỷ USD nhưng khả năng có thể đạt 1,8 tỷ USD do giá xuất cao. Đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 700.000 tấn gạo, chủ yếu sang Philippines, giá trúng thầu cao hơn năm 2007 khoảng 20%. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: “Nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới năm nay tăng cao, trong khi những nước xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… dự kiến giảm sản lượng xuất khẩu.
Do đó, xuất khẩu gạo năm nay không lo về giá mà cốt lõi là điều hành thế nào cho có lợi nhất”. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp không vội vàng ký hợp đồng sớm, giá thấp gây thiệt hại. Nhất là khi chưa mua được gạo thì không nên ký. Tới đây, hiệp hội sẽ cung cấp thông tin diễn biến giá gạo từng ngày cho các doanh nghiệp biết, tráng tình trạng bị ép giá.
Cá tra, ba sa phấn đấu xuất 1,2 tỷ USD
Giá cá tra, ba sa ở ĐBSCL cũng đang nhích lên. Hiện tại, cá tra loại 1 được nhà máy mua 15.000 - 15.500 đồng/kg. Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, dự báo: “Thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa đang tốt, do đó giá sẽ còn tăng lên trong thời gian tới”. Thêm một thuận lợi là ngày 18-2, Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đã sang Việt Nam kiểm tra thêm một số doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào Nga. Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.
Theo Ủy ban Cá nước ngọt Việt Nam, năm 2008, phấn đấu xuất khẩu cá tra, ba sa đạt giá trị 1,2 tỷ USD, sản lượng 1,2 triệu tấn (tăng khoảng 20% so với năm 2007). Tuy nhiên, để đạt được con số này, người nuôi cá và doanh nghiệp phải đối mặt nhiều thách thức. Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt Việt Nam, phân tích: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thức ăn liên tục tăng. Thức ăn công nghiệp hiện lên gần 8.000 đồng/kg, đẩy giá thành nuôi cá 11.000 - 12.000 đồng/kg những năm trước lên trên 14.000 đồng/kg.
Thức ăn leo thang sẽ kéo đầu vào nguyên liệu tăng cao, trong khi đầu ra (giá xuất khẩu) không thể theo kịp. Điều này dẫn đến lợi nhuận người nuôi sẽ giảm, thậm chí lỗ nếu tỷ lệ hao hụt cao”. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp, nói: “Năm nay, chúng tôi lên kế hoạch xuất 240.000 tấn cá tra, ba sa; kim ngạch 200 triệu USD. Thị trường xuất khẩu không lo lắm nhưng giá thức ăn tăng cao là trở ngại không nhỏ”.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng giá thức ăn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu cá tra, ba sa ở ĐBSCL. Khắc phục vấn đề này, ông Ngô Phước Hậu đưa ra giải pháp: “Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nên tăng diện tích trồng đậu, bắp… để làm nguyên liệu chế biến thức ăn. Chủ động được nguồn thức ăn sản xuất trong nước nhằm giảm chi phí giá thành để tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế”.