Dưới đây là trình tự một vụ điều tra chống bán phá giá gồm 10 phân đoạn, các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo.
1.Bắt đầu vụ kiện
Đơn kiện (của ngành sản xuất nội địa) phải đưa ra tương đối đủ các bằng chứng về việc bán phá giá và thiệt hại gây ra, xác định chính xác loại hàng hoá và danh tính các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan.
Sau khi kiểm tra sơ bộ đơn kiện, cơ quan có thẩm quyền chỉ ra Quyết định khởi xướng điều tra khi:
-Đối tượng nộp đơn đáp ứng yêu cầu về tính đại diện (cho ngành sản xuất nội địa liên quan)
-Có tương đối đủ bằng chứng về việc bán phá giá gây thiệt hại.
2.Điều tra sơ bộ
Việc điều tra được tiến hành theo 2 nhóm vấn đề:
-Điều tra để xác định có bán phá giá hay không và biên độ phá giá như thế nào.
-Điều tra để xác định có thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa hay không và thiệt hại có phải là hệ quả của việc bán phá giá không.
Để xác định các vấn đề trên, Cơ quan điều tra sẽ gửi bảng câu hỏi cho bị đơn và các bên liên quan, thu thập và xác minh thông tin, bằng chứng liên quan.
Các bên bảo vệ quyền lợi của mình chủ yếu qua việc trả lời bằng câu hỏi, cung cấp thông tin bổ sung cho cơ quan điều tra.
3.Kết luận vụ kiện
Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan điều tra ra Kết luận sơ bộ về các vấn đề được điều tra (bán phá giá và thiệt hại).
4.Áp dụng biện pháp tạm thời
Trường hợp Kết luận sơ bộ khẳng định có tồn tại việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng biện pháp tạm thời (đặt cọc, ký quỹ hoặc thuế tạm thời) đối với hàng hoá nhập khẩu liên quan.
5.Cam kết về giá
Vào bất kỳ giai đoan nào sau khi có kết luận sơ bộ khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể, nhà xuất khẩu và cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu có thể cùng thoả thuận để đạt được Cam kết về giá (nhà xuất khẩu cam kết tăng giá xuất khẩu lên hoặc ngưng xuất khẩu phá giá hoặc chấp nhận các quota…).
Nếu Cam kết về giá được chấp nhận với nhà xuất khẩu nào thì việc điều tra sẽ xem như chấm dứt với nhà xuất khẩu đó trừ khi họ yêu cầu tiếp tục việc điều tra.
6.Tiếp tục điều tra
Cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành điều tra, xác minh lại các vấn đề trong Kết luân sơ bộ và xem xét các bình luận, phản hồi từ các bên đối với Kết luân sơ bộ.
Các phiên điều trần có thể được tổ chức để cơ quan điều tra trực tiếp nghe các bên trình bày lập luận của mình và trả lời lập luận của đối phương.
7.Kết luận cuối cùng
Cơ quan điều tra ra kết luận cuối cùng về các vấn đề được điều tra (bán phá giá và thiệt hại).
8.Áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức
Cơ quan điều tra ra kết luận cuối cùng. Có 2 trường hợp:
-Kết luận khẳng định có bán phá giá gây thiệt hại đáng kể: cơ quan điều tra có thể ra quyết định áp thuế chống bán phá giá (mức thuế đối với từng nhà xuất khẩu không cao hơn biện độ phá giá của họ). Việc áp thuế hay không còn phụ thuộc vào biên độ phá giá (dưới 2% thì không được áp thuế) và lợi ích cộng đồng (trường hợp EU, nếu việc áp thuế không phù hợp với lợi ích Cộng đồng thì sẽ không áp thuế).
-Kết luận phủ định (không bán phá giá và/hoặc không gây ra thiệt hại đáng kể): không áp thuế chống bán phá giá và hoàn trả các khoản đặt cọc.
9.Rà soát hàng năm (rà soát lại)
Rà soát hàng năm được thực hiện theo yêu cầu của các bên liên quan để tính biên độ phá giá thực của các nhà xuất khẩu trong năm trước đó hoặc để điều chỉnh mức thuế áp dụng trong những năm tiếp theo hoặc chấm dứt thuế. Trong quá trình rà soát hàng năm, các bên nhà xuất khẩu cũng phải cung cấp chứng cứ chứng minh phục vụ điều tra.
10.Rà soát tổng thể
Cơ quan điều tra thực hiện rà soát vào cuối thời hạn 5 năm kể từ khi áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc kể từ khi rà soát lại. Việc điều tra được thực hiện tổng thể (cả về bán phá giá và thiệt hại) để xác định có chấm dứt việc áp thuế hay tiếp tục thêm 5 năm nữa.