Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần tăng giá bán thuỷ sản để tránh thuế chống bán phá giá
23 | 09 | 2011
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả của đợt xem xét hành chính lần 5 trong vụ kiện tôm (POR5) và lần thứ 7 của vụ kiện cá tra (POR7) tại thị trường Mỹ.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam vào Mỹ được giảm thuế chống bán phá giá so với các đợt xem xét trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tránh thuế chống bán phá giá bằng cách nâng giá bán, chấp nhận giảm sản lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu.

 

Nhiều doanh nghiệp được giảm thuế chống bán phá giá

 

VASEP cho biết, mức thuế chống bán phá giá của hầu hết các công ty xuất khẩu tôm đông lạnh Việt Nam trong kết quả chính thức POR 5 (giai đoạn 1-2-2009 đến 31-1-2010) đều giảm. Cụ thể, ba bị đơn bắt buộc là Nha Trang Seafood giảm từ 4,89% còn 0%; Camimex giảm từ 3,92% xuống còn 0,83%; Minh Phú giảm từ 2,95% xuống còn 1,15%. Đối với 29 công ty khác thuộc đối tượng hưởng mức thuế suất riêng rẽ (là mức thuế suất bình quân gia quyền của 3 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc) được giảm từ mức thuế 1,52% xuống còn 1,04%.

 

Đối với mặt hàng cá tra, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét POR 7 (giai đoạn 1-8-2009 đến 31-7-2010), Công ty CP Vĩnh Hoàn có khả năng trở thành doanh nghiệp thủy sản đầu tiên của Việt Nam thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ, bởi kết quả của hai lần xem xét trước (POR 5 và POR 6) thì Vĩnh Hoàn đều có mức thuế 0%, nên nếu công ty Vĩnh Hoàn vẫn có mức thuế 0% trong quyết định cuối cùng POR 7 của DOC sẽ được công bố vào tháng 3/2012 tới thì Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đầu tiên có đủ điều kiện đề nghị hoàn toàn rút tên ra khỏi vụ kiện.

 

Tuy nhiên, các công ty còn lại là bị đơn của đợt xem xét lần này có mức thuế khá cao khoảng 15%. Nguyên nhân là do trong đợt xem xét này phía Mỹ đã sử dụng số liệu của Indonesia để tính giá thành nuôi cá trong khi các yếu tố tài chính khác lấy từ Bangladesh chứ không lấy số liệu từ một quốc gia như những lần trước.

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, giá nguyên liệu đầu vào nuôi cá tra của Indonesia rất cao, không phản ánh đúng giá thành thực tế tại Việt Nam nên Việt Nam muốn DOC sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính thuế chống bán phá giá như các lần xem xét trước. Nếu DOC sử dụng Bangladesh thì thuế của các doanh nghiệp Việt Nam trong đợt xem xét này chắc chắn sẽ giảm so với mức hiện tại.

 

Tăng giá bán … để tránh thuế

 

Trong 7 tháng đầu 2011, các doanh nghiệp đã đồng loạt tăng giá bán thủy sản vào thị trường Mỹ. Cụ thể, giá mặt hàng tôm xuất khẩu vào Mỹ bình quân đạt 10,58 USD/kg, tăng 1,05 USD/kg so với cùng kỳ năm 2010; Giá xuất khẩu mặt hàng cá tra đạt 3,73 USD/kg, tăng 0,64 USD so với cùng kỳ năm 2010.

 

Theo VASEP, việc tăng giá bán thủy sản vào Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mức thuế chống bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam thấp hơn các đợt xem xét trước. Bởi để tính biên độ bán phá giá, phía Mỹ so sánh giá bán của doanh nghiệp Việt Nam với một mức giá thành ở một quốc gia khác mà Mỹ công nhận là có nền kinh tế thị trường, do đó nếu giá thủy sản của Việt Nam càng cao thì biên độ bán phá giá sẽ càng giảm.

 

Tuy nhiên đối với con tôm, phương pháp zeroing vẫn được Mỹ sử dụng trong đợt tính thuế POR 5 vừa công bố, trong khi phương pháp này đã được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bác bỏ trong vụ kiện của Việt Nam với Mỹ vừa qua. Hiện nay, Mỹ vẫn đang trong thời gian kháng cáo với phán quyết của WTO, và nếu như quyết định của WTO có hiệu lực, đồng nghĩa với Mỹ bỏ cách tính quy về 0 thì các công ty thủy sản Việt Nam sẽ có mức thuế thấp hơn.

 

Từ những kinh nghiệm trên, ông Hoè đề xuất, để tránh thuế hay ít nhất có mức thuế CBPG thấp khi xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần bán với giá cao hơn, nhất là đối với các mặt hàng cá tra.

 

Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản cũng tỏ ra đồng tình với ý kiến trên, việc tăng giá xuất khẩu thủy sản tại các thị trường, nhất là tại thị trường Mỹ là nền tảng cơ bản giúp cho ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới. Bởi giá xuất khẩu cao là điều kiện để các doanh nghiệp nâng giá thu mua nguyên liệu chế biến, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của cả chuỗi giá trị sản xuất, từ các doanh nghiệp cung cấp vật tư nuôi trồng thủy sản cho đến người nuôi, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu.

 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, trong đó quy định định giá giá sàn xuất khẩu cá tra là một trong những nội dung chính của Nghị định này.

Theo Vinanet



Báo cáo phân tích thị trường