Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thách thức lớn nhất trong xuất khẩu gạo là việc điều tiết cho đảm bảo an ninh lương thực và đời sống người dân
02 | 04 | 2008
Những ngày vừa qua, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao. Theo dự báo năm 2008, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa bởi dự kiến nhu cầu gạo thế giới sẽ tăng. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về giá, xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn đang đứng trước nhiều nỗi lo.
Nhìn từ thực tế
Từ đầu năm tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn trong xu hướng tăng khá mạnh mẽ. Cụ thể, trong tháng 2/2008, gạo 5% tấm giá 400 USD/tấn, sang tháng 3 mức giá xuất khẩu của loại gạo này đã lên tới 410 USD/tấn. Tuy nhiên, với loại gạo này vào thời điểm đầu tháng 1/2008, giá chỉ 355 USD/tấn; loại gạo 10% tấn trong tháng 2 giá bán là 395 USD/tấn, hiện mức giá đã lên 405 USD/tấn. Trong khi đó, tính riêng trong năm 2007, nước ta đã xuất hơn 4,5 triệu tấn gạo với giá xuất khẩu bình quân đạt 309 USD/tấn.

Với mức giá tăng cao như hiện nay, không ít các hợp đồng thương mại tuy đã có, nhưng nông dân có tâm lý chờ giá cao mới bán làm nguồn cung gạo cho xuất khẩu khan hiếm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã kí.
Không chỉ giá gạo trong nước, giá gạo trên thế giới cũng đang tăng mạnh, hiện giá gạo thế giới đã tăng lên mức kỷ lục trong 34 năm qua, tại Thái Lan, giá gạo FOB (100%B) được chào bán là 562 USD/tấn, FOB (5% tấm), tăng 13-14% so với một tuần trước. Tại Philippines giá gạo nhập khẩu trung bình với giá 708 USD/tấn, tăng gần 50% so với hồi cuối tháng 1/2008.
Như vậy, những thuận lợi về giá cả và vụ lúa đông xuân ở 2 miền Bắc, Nam đang tạo ra thuận lợi hơn cho xuất khẩu gạo. Cụ thể, tại miền Bắc tính đến giữa tháng 3/2008, lúa đông xuân 2008 miền Nam đã thu hoạch gần 50%, năng suất khá cao, trung bình đạt 60 tạ/ha, cao nhất có nơi đạt 80-85 tạ/ha. Tại miền Bắc sản xuất lúa đông xuân cơ bản gieo cấy xong. Lúa lai đang được đẩy mạnh khai thác và gieo trồng trên các diện tích phù hợp để cùng tham gia giúp đảm bảo sản lượng lúa cả năm 2008 đạt mục tiêu đề ra, 35-36 triệu tấn.
Song vấn đề thách thức nhất trong điều hành xuất khẩu gạo đó là cần phải điều tiết sao cho đảm bảo được vấn đề về an ninh lương thực và đời sống người dân.
Quy định lượng gạo xuất khẩu năm 2008
Trước thực tế trên, để đảm bảo lượng xuất khẩu gạo hợp lý, vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) đã ban hành Quy chế Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008.
Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam quy định, số lượng gạo trắng các loại mà mỗi doanh nghiệp được đăng ký xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm 2008 không quá 50% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân hai năm 2006-2007. Khi đăng ký hợp đồng, doanh nghiệp phải kèm báo cáo tồn kho tối thiểu 50% số lượng đăng ký (không kể hợp đồng tập trung và gạo nếp, gạo thơm).

Quy chế cũng nêu rõ, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được phép đăng ký hợp đồng xuất khẩu; ngoại trừ việc đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký các hợp đồng tập trung với Việt Nam (gồm NFA - Philippines; Bulog - Indonesia; Alimport - Cuba; Bernas - Malaysia). Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gạo các loại phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu mới được lập Tờ khai hải quan.
Ngoài ra, trong vòng 3 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải gửi hợp đồng đã ký cho Hiệp hội để đăng ký hợp đồng hợp lệ trong vòng một ngày (8 giờ làm việc), kể từ ngày nhận được hợp đồng, để doanh nghiệp làm thủ tục giao hàng. Giá gạo xuất khẩu trong hợp đồng phải phù hợp với giá công bố của Hiệp hội tại thời điểm ký hợp đồng và thời hạn giao hàng không quá 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Riêng các trường hợp doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với số lượng xuất khẩu gạo lớn ảnh hưởng cân đối cung cầu, gây tác động bất lợi đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, Hiệp hội sẽ tham vấn ý kiến Bộ Công thương trước khi trả lời doanh nghiệp. Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp không vượt quá cân đối định hướng từng quý của Bộ Công Thương trên chỉ tiêu do Chính phủ công bố.
Cùng với Quy chế Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ban hành Quy chế Thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Theo đó, việc lựa chọn doanh nghiệp dự thầu, giao dịch ký kết hợp đồng tập trung được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ công khai. Doanh nghiệp trúng thầu hoặc được chỉ định để ký hợp đồng tập trung được xuất khẩu trực tiếp tối thiểu 30% số lượng hợp đồng. Số còn lại Hiệp hội phân giao cho các doanh nghiệp thành viên khác ủy thác xuất khẩu.

Đối với trường hợp doanh nghiệp đã ký nhưng không thực hiện hoặc thực hiện một phần hợp đồng ủy thác sẽ bị chế tài theo quy định trong hợp đồng ủy thác và tùy theo mức độ vi phạm, Hiệp hội Lương thực sẽ không phân bổ hoặc phân bổ theo tỷ lệ đã thực hiện đối với các hợp đồng tập trung tiếp theo.



vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường