Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo trong bối cảnh lạm phát
09 | 04 | 2008
Năm 2007, năm được mùa của Nông nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,4 tỷ USD, tương đương với 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, cũng từ cuối niên vụ 2007, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình hình xuất khẩu gạo với số lượng lớn và tăng giá thóc thu mua của nông dân sẽ gây tác động mạnh tới giá lương thực trong nước.

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu phải xem xét kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2008 và cân đối giá thóc mua của nông dân. Việc các doanh nghiệp đẩy giá thóc lên cao sẽ gây tác động dây chuyền tới giá cả tiêu dùng. Trong số hàng hóa dùng để tính tỷ lệ tăng giá tiêu dùng thì có tới hơn 40% hàng lương thực, thực phẩm. Thực tế này tác động không nhỏ tới chính thu nhập vốn còn thấp của người nông dân.

Thế giới: thiếu nguồn cung lương thực

Nguồn cung cấp gạo của thế giới đang khan hiếm. Lúa mì bị mất mùa, nhiều khu vực chuyển sang tiêu thụ gạo. Giá gạo trên thị trường thế giới luôn tăng trong hai năm qua. Điều này giúp ổn định giá thu mua gạo ở mức cao.
Cho đến nay, ngoài Thái Lan, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakixtan đang thực hiện các biện pháp giảm cung hoặc ngừng xuất khẩu do lo ngại thiếu lương thực. Một số quốc gia khác như Philippin, Inđônêxia, Trung Quốc và nhiều nước châu Phi cũng tăng lượng nhập để bù vào phần thiếu hụt lúa mì, ngô.
Cũng do thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nâng giá mua thóc để kịp hoàn thành hợp đồng xuất khẩu.Theo dự kiến ban đầu thì giá thóc ở vào khoảng 2.800đ/kg, nhưng thực tế, trong vụ hè thu năm 2007, người nông dân đã bán được với giá 3.200 đồng, thậm chí 3.600đ/kg. Ở vùng ĐBSCL, trung bình, người nông dân bỏ ra 1.600 đồng( bao gồm cả công lao động, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, phí vận chuyển) và thu về 3.200 đồng. Đây được xem là mức giá lý tưởng. Tuy nhiên, mức giá này chưa được tính tới chuyện mất mùa, thiên tai và những nguy cơ khác.

Gạo Việt Nam có nhiều thuận lợi


Năm 2007, giá gạo loại tốt của Việt Nam cũng đã ngang bằng với giá gạo cùng loại của Thái Lan. Lần đầu tiên trong nhiều năm, gạo Việt Nam đạt mức trung bình 295 USD/tấn.
Năm nay, theo Bộ Công Thương, gạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trên thị trường thế giới do nguồn cung eo hẹp, trong khi nhu cầu không ngừng tăng lên.
Tại các tỉnh thuộc ĐBSCL, bình quân năng suất lúa thu hoạch năm nay lên tới 6,5 tấn/ha, trong đó có một số địa phương có năng suất lúa bình quân gần 7 tấn/ha. Đồng thời, giá bán gạo tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Không chỉ nông dân trúng mùa mà các doanh nghiệp xuất khẩu cũng vui mừng khi giá gạo xuất khẩu tăng cao. Từ giữa tháng 2, giá gạo của Việt Nam xuất khẩu đã lên mức 460 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam hiện đã vượt qua giá gạo Thái Lan. So với cùng kỳ năm trước, nếu giá gạo Thái Lan tăng 71%-73% thì giá gạo Việt Nam tăng 77%-82%.
Năm nay, Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 4,5 triệu tấn gạo, bằng mức xuất khẩu năm ngoái.

Quản lý xuất khẩu - việc làm tối cần thiết

Ngày 26/3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ban hành quy chế Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008.
Theo Qui chế này, số lượng gạo trắng các loại mà mỗi doanh nghiệp được đăng ký xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm 2008 không quá 50% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân hai năm 2006-2007. Khi đăng ký hợp đồng, doanh nghiệp phải kèm báo cáo tồn kho tối thiểu 50% số lượng đăng ký (không kể hợp đồng tập trung và gạo nếp, gạo thơm). Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp không vượt quá cân đối định hướng từng quý của Bộ Công Thương trên chỉ tiêu do Chính phủ công bố. Giá gạo xuất khẩu trong hợp đồng phải phù hợp với giá công bố của Hiệp hội tại thời điểm ký hợp đồng và thời hạn giao hàng không quá 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Quy chế này cũng nêu rõ, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được phép đăng ký hợp đồng xuất khẩu; ngoại trừ việc đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký các hợp đồng tập trung với Việt Nam (gồm NFA - Philippines; Bulog - Indonesia; Alimport - Cuba; Bernas - Malaysia).
Trong vòng 3 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp phải gửi hợp đồng đã ký cho Hiệp hội để đăng ký hợp đồng hợp lệ trong vòng một ngày (8 giờ làm việc), kể từ ngày nhận được hợp đồng, để doanh nghiệp làm thủ tục giao hàng. Riêng các trường hợp doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với số lượng xuất khẩu gạo lớn ảnh hưởng cân đối cung cầu, gây tác động bất lợi đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, Hiệp hội sẽ tham vấn ý kiến Bộ Công Thương trước khi trả lời doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 26/3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ban hành Quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Theo đó, việc lựa chọn doanh nghiệp dự thầu, giao dịch ký kết hợp đồng tập trung được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ công khai.
Hội đồng quản trị Hiệp hội sẽ họp với các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung, thống nhất tiêu chí lựa chọn đơn vị có năng lực về tài chính, tổ chức xuất khẩu gạo, có uy tín trong kinh doanh và đáp ứng điều kiện theo quy định của tổ chức mời thầu để quyết định cử doanh nghiệp tham gia dự thầu và giao dịch ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp trúng thầu hoặc được chỉ định để ký hợp đồng tập trung được xuất khẩu trực tiếp tối thiểu 30% số lượng hợp đồng. Số còn lại Hiệp hội phân giao cho các doanh nghiệp thành viên khác ủy thác xuất khẩu.
Dù trong bối cảnh giá lên, việc điều hành xuất khẩu gạo vẫn thực sự quan trọng, với mục tiêu hàng đầu là giảm chỉ số lạm phát, giảm những tác động bất lợi từ việc tăng giá thế giới đến đời sống người dân.

)



kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường