Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thêm 2 giống vải chín sớm
28 | 05 | 2008
Để có cơ sở khoa học và thực tiễn giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu giống vải, trong 2 năm 2006 - 2007 Viện Nghiên cứu Rau quả đã triển khai thành công dự án sản xuất ^(SX) thử nghiệm "Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất và phát triển các giống vải chín sớm Yên Hưng và Yên Phú".
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Nghiêm, chủ nhiệm dự án cho biết: Dựa trên các kết quả về mật độ trồng, chế độ phân bón, các biện pháp kỹ thuật cắt tỉa, ghép cải tạo thay giống, xử lý hóa chất điều tiết sinh trưởng, phòng trừ sâu bệnh… được bố trí tại các công thức thí nghiệm và xây dựng các mô hình thâm canh tại các địa phươngg như Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên và Quảng Ninh, dự án đã hoàn thiện được các qui trình công nghệ trồng 2 giống vải chín sớm Yên Hưng và Yên Phú, được Hội đồng KHCN Viện đánh giá cao, cho nghiệm thu và trình Bộ NN-PTNT ban hành phục vụ SX. Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm nên vụ vải năm nay nhìn chung có chậm hơn mọi năm từ 7 - 10 ngày tùy theo giống. Tuy nhiên 2 giống vải chín sớm Yên Hưng, Yên Phú sẽ cho thu hoạch tập trung khoảng từ 27-5 đến 10-6 trong khi các giống vải chính vụ hãy còn rất xanh.

Giống vải sớm Yên Hưng: Đây là giống vải lai tự nhiên do các nhà khoa học Viên Nghiên cứu Rau quả phát hiện và chọn tạo từ năm 2001 tại thôn Phong Thái, xã Đông Mai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Giống Yên Hưng sinh trưởng khỏe, tán hình bán cầu, lá có màu xanh hơi vàng. Chùm hoa to trung bình, phân nhánh dài, cuống hoa có màu nâu đen. Quả hình trứng, khi chín có màu đỏ vàng rất đẹp, gai thưa trung bình. Khối lượng quả bình quân đạt 30,1 g/quả (30 - 35 quả/kg), tỷ lệ phần ăn được trung bình 73,2%, độ Brix 18 - 20%, vị ngọt, hơi chua nhẹ. Năng suất trung bình cây 20 tuổi đạt 89,8 kg/cây (12 - 16 tấn/ha). Đây là một trong những giống vải chín sớm, thời gian thu hoạch từ 10-5 đến 20-5, sớm hơn giống vải thiều Thanh Hà từ 15 đến 20 ngày nên bán được giá, thường cao gấp 2 - 3 lần so với các giống chính vụ. Hiện giống vải Yên Hưng đang được trồng nhiều ở một số xã trong 2 huyện Yên Hưng và Đông Triều.

Giống vải sớm Yên Phú: Theo các cụ cao niên ở thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên thì có lẽ đây là giống vải đột biến tự nhiên từ một cây trồng thực sinh từ rất lâu rồi. Cây sinh trưởng khoẻ, tán hình bán cầu, phân cành thưa, lá to, xanh hơi vàng. Chùm hoa to trung bình, phân nhánh dài, cuống hoa dài màu trắng hơi vàng (dễ phân biệt với các giống vải khác). Quả hình tim, khi chín có màu đỏ tươi rất đẹp, thưa gai. Khối lượng quả bình quân đạt 27,2 g (35 - 40 quả/kg), tỷ lệ phần ăn được 74,5%, độ Brix 19 - 21%, vị ngọt thanh. Năng suất cây 15 tuổi đạt 85,5 kg/cây (10 - 12 tấn/ha). Chín rất sớm, cho thu hoạch từ 5-5 đến 10-5. Theo ông Đặng Đình Minh ở thôn Yên Phú, người trồng mô hình vải sớm cho viện Nghiên cứu Rau quả thì đây là một giống vải chín sớm, cùi trắng, ăn ngọt, hạt bé, không bị mất mùa như các giống vải khác, bán được giá, cho thu nhập cao. Giống vải này hiện được nhiều bà con quanh vùng, thậm chí các tỉnh xa như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hoà Bình cũng tìm về mua giống để trồng.

Một số điểm mới được bổ sung và hoàn thiện trong qui trình trồng vải:

- Về vùng trồng: Giống Yên Hưng phù hợp với các vùng đất đồi gò thấp chủ động tưới nước ở các tỉnh phía Bắc; giống Yên Phú phù hợp với vùng đồng bằng, đất bãi dọc theo các con sông, chủ động tưới tiêu ở các tỉnh phía Bắc.

- Chế độ cắt tỉa được tập trung vào 2 đợt chính: Cắt tỉa vụ hè (sau thu hoạch 15 ngày, từ 25-30-5) bao gồm cắt bỏ các cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh… và cắt tỉa vụ đông trước khi ra hoa (vào đầu tháng 11, từ 1-5-11) bằng cách cắt toàn bộ cành mọc bất định trong tán, các cành nhỏ ngoài tán, chỉ để lại 2-3 nhánh khỏe, tương đối đồng đều trên mỗi đầu cành sẽ kích thích cho việc phân hóa mầm hoa và ra hoa tập trung.

- Dùng Ethrel 600 ppm phun 2 lần vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 cho các cây sinh trưởng khỏe nhằm hạn chế ra lộc đông. Nếu cây đã ra lộc đông thì phun Ethrel 800 ppm khi lộc dài 5 – 7 cm, lúc bắt đầu chuyển từ đỏ sang vàng nhằm giúp lộc nhanh thuần thục để phân hóa mầm hoa.

- Dùng các biện pháp ghép thay giống để cải tạo vườn cây, bố trí lại cơ cấu giống bằng cách ghép nối ngọn trên đầu cành với các cây dưới 8 tuổi hoặc cưa đốn để tọa chồi mới rồi ghép cải tạo đối với các cây già cỗi trên 8 năm tuổi



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường