Kẹt vốn, bán công tyMột công ty có trụ sở tại Q.Gò Vấp, TP.HCM rao bán toàn bộ tài sản nhà máy sản xuất thức ăn cho cá ở Nhà Bè với giá 9 tỉ đồng. DN này xác nhận do thiếu vốn lưu động, không đủ khả năng tài chính để nhà máy hoạt động thường xuyên và hết công suất nên buộc phải bán. Một doanh nhân Đài Loan quyết định bán toàn bộ xưởng may mặc của mình ở Long Thành, Đồng Nai vì muốn thu hẹp hoạt động. Giá bán được đưa ra là 2,5 triệu USD. Cũng do thiếu vốn để kinh doanh, một công ty ở Đắc Lắc có thâm niên hoạt động trong ngành sản xuất thiết bị cơ khí nông nghiệp 30 năm đang rao bán một phần DN của mình với giá 6 tỉ đồng... Hoạt động mua bán khá đặc thù này đang diễn ra âm ỉ, đặc biệt là ở nhiều DN nhỏ và vừa "kẹt" vốn kinh doanh. Trên trang web
www.muabandoanhnghiep.com cho thấy sự đa dạng của hoạt động mua bán này. Có đến 219 DN và dự án được rao bán; trong đó nhiều nhất là số DN và dự án bất động sản, đến 98 trường hợp. Người ta bán từ một DN chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý tình cảm, dịch vụ "xe ôm" có đồng hồ tính cước ở Hà Nội, đến bán cả mỏ đá 10ha ở Yên Bái và Lào Cai, hay khu rừng keo lai 297ha ở Đắc Lắc... Thậm chí một trường trung cấp ở Hà Nội được đầu tư 38 tỉ đồng, bây giờ cũng được rao bán còn 10 tỉ. Giá được rao bán cao nhất trên địa chỉ này là một khu du lịch biển ở Vũng Tàu rộng 23ha: 370 tỉ đồng. Luật sư Lê Công Định, Công ty luật DC Law, cho biết đang khá bận rộn với đống hồ sơ pháp lý mua bán, sáp nhập DN mà khách hàng hối thúc từng ngày. "Tôi nghĩ đây là xu hướng tất yếu mà nền kinh tế nào cũng phải trải qua. Ở nền kinh tế thị trường, những DN nào sinh ra mà cạnh tranh không nổi phải bán đi là chuyện bình thường. Việc mua bán, sáp nhập như vậy sẽ tạo ra nhiều DN lớn, đủ sức đương đầu với những đối thủ trong khu vực và thế giới. Tôi nghĩ đó là điều tốt cho VN" - luật sư Định nhận xét. "Một cộng một bằng ba"
Năm 2007 ở VN đã có 113 vụ mua bán, sáp nhập với tổng giá trị lên tới gần 1,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với năm 2006, chỉ có 38 vụ, giá trị khoảng 299 triệu USD.Nguồn: PricewaterhouseCoopersNăm 2007 các vụ mua bán, sáp nhập ở VN tăng nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng 233% về số vụ và 146% về giá trị. Úc tăng 117% số vụ, 18% giá trị; Singapore tăng 115% số vụ, 10% giá trị; Trung Quốc tăng 83% số vụ, 33% giá trị. Nguồn: Thomson Financials |
Công ty dầu khí An Pha SG, một cái tên khá mới mẻ trên thị trường VN nhưng trong năm 2007 vừa qua đã mua và chiếm cổ phần chi phối bốn công ty kinh doanh gas trải rộng từ Hà Nội đến Đắc Lắc, Tây Ninh và TP.HCM.Ông Trần Minh Loan, chủ tịch HĐQT công ty này, không giấu giếm: "Sau khi ký kết hợp tác chiến lược với một số tập đoàn tài chính trong và ngoài nước, An Pha SG sẽ tiếp tục mua một số công ty gas khác. Hiện chúng tôi đang đàm phán với ba công ty và có thể sẽ hoàn tất việc mua bán trong năm nay. Chúng tôi cho rằng liên kết với nhau lại để củng cố lực mà cạnh tranh trong bối cảnh mới là điều cần thiết". Theo ông Loan, sở dĩ các công ty gas hợp nhất được với nhau về một mối là nhờ có cùng cách nhìn, cách suy nghĩ này. "Từng chiếc đũa sẽ dễ bị bẻ gãy hơn là một bó. Hệ thống phân phối gas ở thị trường nước ta còn nhiều bất cập, chúng tôi muốn góp một tay lập lại trật tự thị trường để cạnh tranh về dịch vụ thay vì giá” - ông Loan chia sẻ. Bà Võ Thị Huyền Lan - trưởng đại diện Quĩ đầu tư Jaccar - nhận định: "Tôi nghĩ sắp tới hoạt động mua bán, sáp nhập ở VN sẽ thành một trào lưu lớn. Các quĩ đầu tư đều có dự đoán điều này". Theo bà Lan, hiện nay đã có dấu hiệu ở một số công ty chứng khoán. "Một vài năm trước đây thị trường rất nóng, ai cũng lập công ty chứng khoán. Nhưng hiện giờ ngành này đang gặp nhiều khó khăn" - bà Lan nói.Đưa ra công thức "một cộng một bằng ba", bà Lan khuyên các DN VN nên suy nghĩ "lớn" hơn thay vì cứ băn khoăn với việc "cá lớn nuốt cá bé”. "Một con ngựa chỉ thồ được một bao hàng, nhưng với hai con ngựa ta làm một cỗ xe nữa thì chúng có thể kéo được cả ba hoặc bốn bao hàng... Sức mạnh tổng hợp là rất lớn".