Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nóng bỏng đất trồng cao su
18 | 06 | 2008
Hiện nay tiến độ trồng mới cây cao su ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đăklăk đang vấp phải khó khăn. Giá đất trồng cao su tăng lên từng ngày, trong khi rất nhiều DN không có chức năng cũng như kinh nghiệm trồng cây cao su cũng xin lập dự án trồng loại cây này...

Dân "nhảy dù" lấn đất

Ông Thời cho biết: Mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp xin lập dự án trồng cao su tại địa phương nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ xem xét kỹ những đơn vị nào có năng lực tài chính cũng như kỹ thuật, kinh nghiệm thì mới lựa chọn. 

Theo chỉ đạo của Chính phủ về phát triển cây cao su tại Đăklăk, UBND tỉnh này đã giao cho Cty Cao su Ea H’leo trồng mới 10.000ha đến năm 2010. Một trong những cố gắng của Cty là dự án trồng cao su tại làng Dao xã Ea Tir với diện tích 1.200ha trên cơ sở chuyển đổi rừng nghèo kiệt. Được các ngành chức năng cho phép, Cty Cao su Ea H’leo đã bắt tay ngay vào chuẩn bị nguồn vốn, cây giống, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai dự án.

Mọi việc sẵn sàng thì một vấn đề phức tạp nảy sinh là hầu như toàn bộ diện tích trồng cao su và một số tiểu khu rừng khác trong khu vực đã bị người dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép. Ông Lê Văn Thuận, Giám đốc Cty Cao su Ea h’leo cho biết: Với dự án trồng mới 1.200ha cao su tại làng Dao, nhằm thu hút đồng bào dân tộc vào làm công nhân, chúng tôi dự định sẽ tiến hành trồng trong 2 năm là kết thúc (dự án thực hiện từ năm 2005). Tuy nhiên do người dân lấn chiếm đất nên đến nay Cty mới trồng được 336ha do người dân không chịu di dời khỏi vùng dự án.

Vì sao có tình trạng này? Ông Đặng Văn Thời, Phó Bí thư Huyện uỷ Ea H’leo cho biết: Dự án trồng cao su tại Ea H’leo trước đây là đất rừng da beo, do rừng bị phá nên mới chuyển sang trồng cao su, tuy nhiên do thủ tục chuyển đổi đất rừng sang đất trồng cao su kéo dài trên 2 năm, chính trong thời gian này biết tin có dự án trồng cao su mà nhiều đối tượng có tiền đổ về đây mua bán, sang nhượng đất trái phép đất dẫn tới tình trạng đất dự án bị lấn chiếm. Được biết giá chuyển nhượng đất trái phép tại vùng dự án trồng cao su làng Dao có lúc lên tới 50 – 70 triệu/ha.

Vậy giải quyết những vấn đề này ra sao? Ông Hà Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đăk Lăk cho biết: Đối với những hộ dân từ nơi khác đến mua bán sang nhượng trái phép đất tại dự án làng Dao thì phải xử lý nghiêm. Ông Y Manh Adrơng, PCT UBND huyện Ea H’leo cho biết: Hướng giải quyết là chỉ đền bù tiền công khai hoang và hoa màu hiện tại. Theo đó chúng tôi đã lập được hồ sơ 53 đối tượng lấn chiếm sang nhượng, mua bán trái phép đất dự án trồng cao su tại làng Dao, trong đó 7 đối tượng cầm đầu sẽ đưa ra xét xử trong tháng 7 tới.

“Miếng bánh” hấp dẫn!

Trong Chương trình trồng mới 100.000ha cao su đến năm 2010 tại Tây Nguyên, tỉnh Đăk Lăk được phê duyệt trồng mới 30.000 ha, trong đó có 15.000ha cao su trồng mới của Tập đoàn CNCS Việt Nam, trong số này Công ty Cao su Ea H’leo được giao trồng mới 10.000ha. Để có quỹ đất, các ngành chức năng đã khảo sát đất rừng tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện có khả năng trồng cao su được 8.308ha, tập trung tại Cty Lâm nghiệp Chư Phả và Cty Lâm nghiệp Thuận Mẫn.

Với giá mủ cao su đắt đỏ như hiện nay thì rõ ràng quỹ đất để trồng cao su đang là “miếng bánh” hấp dẫn để các đối tượng khác “nhảy” vào xin đầu tư trồng cao su tại Ea H’leo. Ông Y Manh Adrơng cho biết: Đến nay đã có 13 DN xin đầu từ trồng mới cao su với chính quyền địa phương. Tuy nhiên điều đáng nói là nhiều Cty, DN trước đây trong danh mục kinh doanh không hề có chức năng trồng cao su, nhưng với giá mủ cao su hấp dẫn nên họ đã kịp đăng ký bổ sung ngành nghề trồng cao su để xin đất. Chính vì vậy, một số DN bước đầu trồng nhưng thất bại do không có kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi không loại trừ khả năng một số đơn vị không đủ tiềm lực tài chính để thực hiện dự án bởi trồng cao su cần vốn đầu tư lớn và thời gian kiến thiết cơ bản khá dài, đặc biệt trong điều kiện hiện nay nếu đi vay vốn ngân hàng thì không thể chịu đựng được lãi suất. Bên cạnh đó việc trồng cao su cũng không hề đơn giản nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm.

Quảng Trị: Ngân hàng "tiếp sức" cho người trồng cao su

 Vườn cao su rợp mátTrở lại Quảng Trị, dưới nắng hè thiêu đốt, lần này chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của cây cao su. Bên triền đồi uốn lượn theo cung đường Trường Sơn, những hàng cao su đã đâm chồi xanh biếc.

Sau ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972) cây cao su trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm cây cao su bị phá để trồng mới cây chè, trồng các loại cây màu khác. Mốc quan trọng trong việc phát triển cây cao su của Quảng Trị, là tỉnh quyết định thành lập Cty cao su (1978) nhằm nghiên cứu, phát triển cây cao su trên địa bàn. Năm 2000 cây cao su mới thực sự được tỉnh này chú ý, giúp tăng nhanh diện tích cao su. Đặc biệt nhờ dự án "Đa dạng hoá nông nghiệp" tại Quảng Trị, Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức phát triển ADF của Pháp đã tài trợ 50 tỷ đồng cho chương trình phục hồi và trồng mới gần 8.000 ha cao su tiểu điền, qua đó đã tạo việc làm mới cho 10.000 lao động và tăng thu nhập cho nông dân.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm gần đây, tỉnh Quảng Trị có trên 13.000 ha cây cao su, trong đó 9.000 ha trồng cao su tiểu điền. Cao su trở thành cây trồng chủ lực sau hơn 30 năm Quảng Trị được giải phóng, đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh mỗi năm hơn 300 tỷ đồng. Cây cao su không chỉ giúp cho nông dân thoát nghèo, mà đang từng bước giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu. Quảng Trị quyết định từ nay đến năm 2010 sẽ trồng mới thêm 6000 ha, nâng diện tích cao su lên 17.000 ha.

Thời gian qua, Ngân hàng NN-PTNT Quảng Trị cũng vào cuộc khi tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cho vay vốn đáp ứng nhu cầu phát triển cây cao su tiểu điền. Chỉ từ cuối năm 1996 đến năm 2000, Ngân hàng đã triển khai cho vay trồng mới và khôi phục chăm sóc cao su tới 4.066 nông hộ với doanh số cho vay gần 23 tỉ đồng. Kết quả, ngoài diện tích chăm sóc, bà con đã trồng mới thêm được 4 ngàn ha. Các hộ tham gia dự án, cứ trồng mới mỗi ha, năm đầu được vay 6 đến 7 triệu đồng. Trong 8 năm tiếp theo, nông dân được vay 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng không tính lãi suất. Với mức hỗ trợ như vậy, các hộ nông dân vùng dự án đã trồng mới được 4.000 ha cao su tiểu điền, đồng thời còn trồng dặm, khôi phục lại được 3.700 ha cao su đã trồng trước đây.

Đến nay, Ngân hàng NN- PTNT Quảng Trị đã chuyển việc cho vay phát triển cao su tiểu điền sang cho vay theo dự án Đa dạng hoá nông nghiệp do WB tài trợ. Sau hơn 5 năm triển khai cho vay theo dự án này, chương trình phát triển cao su tiểu điền của tỉnh đã thu được những kết quả khả quan. Trồng mới thêm được 2.585ha, tiếp tục chăm sóc thêm 4.591ha; đủ cơ sở thực tiễn để khẳng định cây cao su phát triển tốt trên đất Quảng Trị...



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường