Để phát triển diện tích cao su nói trên, tỉnh Kon Tum sẽ đưa khoảng 5.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất kém hiệu quả của các lâm trường và mở các tuyến đường giao thông miền núi để khai thác khoảng 10.000 ha đất rừng nghèo chưa được sử dụng sang trồng cao su. Đồng thời khuyến khích hộ gia đình đồng bào chuyển diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cao su tiểu điền. Tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương, các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển vùng cao su tại địa phương tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp hiện hữu và có hiệu quả của nhân dân.
Ngoài việc quy hoạch vùng trồng cao su trọng điểm, tỉnh Kon Tum và Tổng Công ty cao su Việt Nam đang xúc tiến việc liên doanh trồng cao su giữa hộ gia đình đồng bào dân tộc với Tổng Công ty cao su. Theo đó Công ty sẽ đầu tư vốn, hỗ trợ bộ cây giống mới có năng suất, chất lượng cao, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật và hộ gia đình đồng bào góp đất và được nhận vào làm công nhân tại các nông trường, các công ty cao su. Tỉnh cũng đang xúc tiến việc huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh để xây dựng thêm các nhà máy chế biến cao su, ưu đãi cho nhân dân vay vốn trồng cao su và cơ chế tiêu thụ sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có gần 10.000 ha cao su kinh doanh. Năm 2006, sản lượng mủ cao su toàn tỉnh khai thác được khoảng trên 9.000 tấn, năng suất bình quân đạt gần 9,8 tạ/ha./.