Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân “khát” vốn
22 | 07 | 2008
Cái nghèo đeo bám người nông dân với biết bao lý do, từ thiếu kiến thức, thiếu đất cho đến thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật hay quy hoạch và định hướng của nhà nước. Ngoài ra, thiếu vốn là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với họ.
Dù có đất, có quy hoạch hay có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mà thiếu vốn thì nông dân chỉ biết tiếc rẻ ngồi nhìn cơ hội vuột qua mắt mình.

Thiếu vốn nên phải bán "non"

Chị Lê Thị Thêm, nhà ở Buôn Rư, huyện Cư Mgar, Đak Lak trồng 6.000 mét vuông cà phê. Vụ thu hoạch vừa qua, nhà chị có được hơn 2 tấn cà phê nhân nhưng vì cần tiền trả nợ phân, dầu chạy máy bơm nước và cả tiền cho mấy đứa con đang ăn học nên chị đành phải bán toàn bộ số cà phê với giá chỉ có 25.000 đồng/kg, dù chị thừa biết giá cà phê sau đó còn tăng cao hơn.

“Nợ tiền người ta lúc cà phê chưa thu hoạch, nên có cà phê là bán ngay chứ qua đài báo cũng biết là giá cà phê phải hơn 30.000 đồng/kg”, chị nói và ước giá mà có được chút đỉnh vốn liếng thì chị chất cà phê trong nhà chứ không bán ngay.

Ông Võ Hanh, 60 tuổi ở xã Cư Suê, Cư Mgar có 1,5 héc ta cà phê ngay trong vườn nhà, vụ rồi ông thu hoạch tới 6 tấn cà phê nhân nhưng gần như bán sạch từ hồi Tết Nguyên đán để có tiền trang trải nợ nần, đến khi cà phê lên giá hơn 30.000 đồng rồi tới 40.000 đồng/kg thì trong nhà ông chỉ còn có vài tạ cà phê.

Nói về việc bán cà phê giá rẻ, ông trầm ngâm: “Mà có biết giá lên thì cũng đành chịu, chứ tiền dầu chạy máy bơm nước mua nợ ngoài cây xăng đầu xã, tiền phân, tiền công nạo vét giếng, tiền thuê người hái cà phê và cả tiền chi tiêu trong gia đình đều trông vào mấy hạt cà phê thì làm sao không bán được”.

Những hàng xóm quanh nhà ông Hanh gần như ai cũng giống ông, tức bán gần sạch cà phê lúc thu hoạch để trang trải chi tiêu quá bức bách.

Xem truyền hình, ông Hanh thấy các quan chức ngành nông nghiệp, rồi lãnh đạo Hiệp hội cà phê Việt Nam nói những điều nghe rất "chân lý" nhưng... nông dân khó mà thực hiện được. Chẳng hạn, ông Hanh bảo Nhà nước cứ nói nông dân thu hoạch xong không nên bán vội làm tăng nhanh nguồn cà phê trên thị trường khiến giá cà phê hạ, mà phải cất trữ và bán ra từ từ.

“Không bán ra ngay thì lấy gì sống đây”, ông nói.

Ở xã Cư Suê, theo ông Hanh, những người có điều kiện trữ cà phê và bán ra từ từ và thường trúng đậm khi giá lên cao chính là những người có vốn, ở nông thôn như Cư Mgar thì thường là giáo viên, cán bộ xã, công nhân nông lâm trường. Họ là những người có đồng lương, dù thấp, nhưng ít ra cũng ổn định và trang trải phần nào chi tiêu gia đình nên không vội bán và họ giàu lên nhanh chóng không phải vì đồng lương nhà nước, mà nhờ hạt cà phê trữ lại sau thu hoạch.

Mùa khô hàng năm là mùa cây cà phê khát nước dữ dội ở Tây Nguyên, nông dân ai cũng cố vét sâu thêm giếng để bơm tưới chuẩn bị cho cây ra hoa kết trái cho mùa cà phê trĩu quả vào tháng 10 trở đi. Ông Hanh nói ví von: “Tụi tui cần tiền, cần vốn chẳng khác gì cây cà phê khát nước”. Ông cho biết với 1,5 héc ta đất, ông từng được vay vốn ngân hàng nhưng chỉ chục triệu đồng, trong khi tiền chi phí vật tư đầu vào cho cây cà phê của ông đã là hàng chục triệu. Vậy nên ông đành mua nợ vật tư, tới mùa thu hoạch bán cà phê trả.

Nông dân nghèo vay vốn không dễ

Theo khảo sát của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam công bố năm 2005 thì hai tổ chức tài chính đang cung cấp nguồn vốn chính ở nông thôn hiện nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tại 60 xã mà ILO khảo sát, có 58,3% nông dân nghèo từng được cung cấp vốn bởi ngân hàng nông nghiệp và 23,8% nông dân nghèo từng được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách. Trên phạm vi cả nước vào cuối năm 2004, chỉ có 2,5 triệu khách hàng là nông dân vay vốn của hai hệ thống ngân hàng nói trên.

Anh Nguyễn Hoàng Chương, 30 tuổi, có 5 sào ruộng (2.500 mét vuông) ở thôn Phú Đa, xã Hòa Tân Đông, Đông Hòa, Phú Yên, và có máy xay xát gạo cho bà con nông dân trong thôn. Vụ lúa hè thu sắp thu hoạch, anh tính vay ngân hàng 20 triệu đồng để mua 4-5 tấn lúa của nông dân làm ruộng xung quanh, rồi trữ dần để xay xát bán gạo cho hàng xáo (cách gọi người mua lúa về xay xát thành gạo và tấm, cám để bán lại).

Khổ nỗi miếng đất của nhà anh chưa có sổ đỏ, còn máy xay gạo thì ngân hàng không xem là tài sản để thế chấp. Anh đành mượn sổ đỏ của mẹ để vay được 15 triệu đồng của ngân hàng nông nghiệp huyện mà phòng giao dịch cách nhà anh tới 5km. Rồi cũng nhờ mẹ ruột đứng tên, anh vay thêm 6 triệu đồng của nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo của hội nông dân.

Vậy là với hơn 20 triệu đồng và giá lúa 4.000- 5.000 đồng/kg như hiện nay, anh Chương cao lắm là mua được 5 tấn lúa (kể cả mua nợ) vào các tháng tới khi trong thôn thu hoạch lúa hè thu.

Dù không nghèo tới mức quá “khát” vốn cho trồng lúa như nông dân trong thôn nhưng nếu những người như anh Chương có vốn dư dả, sẽ phần nào giúp việc tiêu thụ lúa của nông dân trong thôn nhanh hơn.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu tại Việt Nam, một tổ chức tài chính vi mô của Thụy Sỹ đã gắn bó với nông dân nghèo trong hơn 5 năm qua, cho biết ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, việc nông dân tiếp cận các nguồn vốn chính thức của ngân hàng là điều không dễ dàng, thậm chí có nơi là không tưởng.

“Có hộ gia đình đất chưa có sổ đỏ, nhà cửa tạm bợ thì không thể vay dạng thế chấp tài sản, còn vay tín chấp thì họ đã nghèo, làm ăn thất bát nhiều năm, nợ nần hàng xóm láng giềng tùm lum thì đoàn thể nào dám đứng ra bảo lãnh cho họ vay”, ông nói.

Từ thực tế gắn bó nông thôn của mình, ông Hạnh cho biết nông dân nghèo vùng xa đôi lúc cần vốn không phải hàng triệu hay hàng chục triệu đồng như anh Chương hay ông Hanh đã nói ở trên, mà họ cần những món tiền nhỏ có khi chỉ vài trăm ngàn đồng để mua hạt giống dưa leo, mua ít cây và dây thép làm giàn trồng bầu bí hay có khi chỉ cần cao lắm 1 triệu đồng mua con heo con.

Vì không đủ khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, nên nông dân nghèo khi cần những món tiền nhỏ lại phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao hơn.

Làm ăn thành công thì thu nhập của họ cũng chảy vào túi người khác, còn thất bát thì họ càng nghèo thêm, càng ít người dám cho mượn tiền hơn. Và khi đã quá nghèo hay kiếm không ra đồng vốn làm ăn, họ mới quay sang làm những việc không cần vốn, chỉ cần sức lao động nhưng trái phép như khai thác trộm gỗ nếu ở gần rừng, kích điện bắt cá dưới sông suối, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng như rà tìm phế liệu.


Liên hệ với người đăng tin này:

An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/7718/



Báo cáo phân tích thị trường