"Nam châm" thu hút đầu tư
Quần áo, giày dép, đồ chơi, túi xách - tất cả những thứ bạn muốn được sản xuất, bạn có thể nghĩ đến miền Nam Trung Hoa đại lục.
Với chi phí nhân công thấp, giao thông thuận lợi giữa các cảng biển, các đặc khu kinh tế đưa ra những đãi ngộ về thuế và thuế suất 0% đối với hàng nhập khẩu, những thương hiệu lớn nhất trên thế giới đã hội tụ về đây với một tốc độ không thể tin nổi.
Các công ty từ trên khắp thế giới đã bị thu hút tới vùng bờ biển phía phía nam Trung Quốc, trong đó có các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Phúc Kiến và Chiết Giang.
Động lực đằng sau sự bùng nổ kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc là sản xuất và gia công hơn một nửa số hàng hóa trên thế giới dưới dạng bán thành phẩm hoặc các sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng hiện tại, do chi phí tăng cao và môi trường cạnh tranh đang thay đổi, hàng nghìn công ty đang nhắm tới những địa điểm đầu tư khác tại châu Á.
Chuyên gia kinh tế châu Á Tao Dong thuộc hãng Credit Suisse ở Hong Kong đã dự đoán rằng một phần ba các nhà máy sản xuất ở tỉnh Quảng Đông - hiện sản xuất 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc - sẽ đóng cửa trong vòng ba năm nữa.
Cuối năm ngoái, hãng sản xuất đồ điện tử Canon (Nhật Bản) đã quyết định sáp nhập hai nhà máy của hãng tại Trung Quốc và đầu tư 700 triệu nhân dân tệ (NDT) (tương đương 65 triệu euro) để xây dựng các nhà máy tại Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí. Những ngày này, các điểm nóng về sản xuất của Trung Quốc đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những quốc gia láng giềng. Việt Nam và Ấn Độ ngày càng trở nên đáng gờm hơn trong việc thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp chi phí thấp. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2007, tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn với các thị trường trên thế giới.
Vào tháng 7/2007, Pricewaterhouse Coopers đã xếp hạng Việt Nam là địa điểm đầu tư sản xuất có tính cạnh tranh cao nhất trong top 20 thị trường đang nổi trên thế giới, Trung Quốc bị đẩy xuống thứ hai. Không một ai nghĩ rằng tính cạnh tranh của Trung Quốc sẽ biến mất chỉ trong một đêm và các chuyên gia kinh tế đều đồng ý rằng hàng hóa từ quốc gia đông dân nhất châu Á này sẽ còn giữ mức giá rẻ trong nhiều năm nữa.
Doanh nghiệp "toát mồ hôi" vì chi phí tăng cao
Nhưng câu chuyện không rõ ràng như vậy và ở Trung Quốc, người ta vẫn tin rằng mô hình đầu tư đang thay đổi, thậm chí không có ai hoảng hốt vì điều này. Gao Sumei, chuyên gia kinh tế của Bộ Công nghệ & Thông tin Trung Quốc cho hay: "Kể từ quý I/2008, tốc độ tăng trưởng trong ngành điện tử đã bắt đầu chậm lại".
Theo tính toán của Bloomberg, lượng hàng công nghệ cao vận chuyển qua đường biển của Trung Quốc đã tăng 412% kể từ năm 2002 tới mức 347.8 tỷ NDT (tương đương 32 tỷ euro) vào năm ngoái, chiếm 28,5% tổng số hàng hóa xuất khẩu, và 11,9% tăng trưởng trong GDP. Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán là sẽ tăng trưởng 10% trong năm nay và 9,5% trong năm 2009. Vì vậy đến thời điểm này, chưa có ai phải "toát mồ hôi" vì lo sợ.
Ông Gao cho biết thêm: "Cùng thời điểm, các quốc gia láng giềng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của họ. Điều này dẫn tới việc đầu tư nước ngoài chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác".Theo Ngân hàng Thế giới (WB), người lao động chưa qua đào tạo của Việt Nam có mức lương là 1,669 triệu đ/tháng (tương đương 54 euro), thấp hơn 41% so với những người lao động có mức lương thấp nhất tại Giang Tây, Trung Quốc. Và ở Ấn Độ, con số này là 3843 rupee/tháng (tương đương 57 euro). Chính phủ Ấn Độ đang xây dựng 400 đặc khu kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Một trong số những thay đổi lớn diễn ra tại Trung Quốc là luật lao động mới, có hiệu lực từ ngày 01/01/2008. Luật này đưa ra những hình thức bảo vệ lợi ích cho người lao động Trung Quốc, bao gồm cả những người lao động trong các công ty nước ngoài và nâng lương lên khoảng 22% ở một số nơi.
Về cơ bản, luật lao động mới yêu cầu các hợp đồng lao động cần phải được lập thành văn bản trong vòng một tháng. Điều này dẫn tới việc thuê lao động thời vụ trở nên khó khăn hơn và cũng hỗ trợ người lao động khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Phản ứng của các chủ lao động trong các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài là khá tiêu cực. Giới truyền thông địa phương chỉ ra rằng 4 trung tâm mua sắm của Wal-Mart ở Thẩm Quyến, Thượng Hải, Phúc Kiến và Quảng Đông đã sa thải hàng trăm nhân viên vào tháng 10 năm ngoái.
Công ty công nghệ Huawei ở Thẩm Quyến đã chi 1 tỷ NDT (tương đương 90 triệu euro) cho việc sa thải 7000 nhân viên. Một số các nhà đầu tư Hàn Quốc ở Sơn Đông đã đột ngột sa thải hàng trăm nhân viên mà không trả lương trước khi luật lao động mới được đưa ra.
Trong khi đó, khá nhiều công ty Đài Loan sản xuất bảng mạch in (printed circuit board – PCB) đang tìm kiếm địa điểm đầu tư khác trong khu vực bởi những thay đổi có tính nguyên tắc về môi trường. Môi trường Trung Quốc là một khu vực đầy nguy hiểm và nước này đã thắt chặt các luật lệ nhằm ngăn chặn những vấn đề chính trị rộng lớn hơn xuất hiện. Thành phố Đông Quan thuộc tỉnh Quảng Đông đã từng là "thủ phủ" giày da của thế giới, nhưng hiện nay hàng trăm nhà máy đã phải đóng cửa do chi phí tăng cao và các công ty đang hướng tới những quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Ấn Độ.
Wang Yukunm, trước đây là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc gia của Trung Quốc, hiện là cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là một chuyên gia tư vấn quản lý có tiếng tại Trung Quốc, tác giả của khá nhiều cuốn sách về toàn cầu hóa và kinh doanh, cho hay: "Trung Quốc đã bắt đầu chú trọng tới bảo vệ môi trường. Quyền lợi của chủ lao động cũng như của người lao động cũng được bảo vệ. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao và họ sẽ chọn đầu tư ở những nơi khác. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên bởi thế giới hiện nay là một thị trường mở".
Wang nói: "Nhưng theo tôi biết, nhiều công ty lớn vẫn chọn ở lại Trung Quốc vì những nhà cung cấp chính và dây chuyền cung cấp của họ là ở Trung Quốc.Vả lại di chuyển cả doanh nghiệp không phải là một điều dễ dàng. Họ sẽ chọn Việt Nam hoặc Ấn Độ để sản xuất, nhưng họ sẽ không chuyển toàn bộ công ty tới đó. Chính phủ Trung Quốc không lo ngại về việc một vài doanh nghiệp quyết định chuyển nhà máy của họ tới những quốc gia khác".
Chuyển sản xuất vào sâu trong nội địa nhằm cắt giảm chi phí
Những yếu tố khác bao gồm việc đồng NDT tăng giá trị lên 4,5% so với đồng đôla Mỹ hồi đầu năm nay. Đây là một sự đánh giá khá chính xác khi bạn cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc được định giá bằng đồng đôla Mỹ. Đồng NDT đã tăng giá 7% vào năm ngoái. Những động thái đầu tiên diễn ra bên trong quốc gia này. Các công ty có trụ sở tại những thành phố giàu có của vùng bờ biển phía đông và vùng phía nam thường chuyển tới những nơi nằm sâu trong nội địa – nơi có giá thuê mặt bằng và chi phí lao động thấp hơn. Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra nhiều loại hình đãi ngộ nhằm thu hút người dân tới các tỉnh có mức lương thấp hơn.
Nhưng tại các tỉnh của đất nước Trung Hoa, bạn sẽ thấy những vấn đề tương tự như ở Việt Nam, Ấn Độ hoặc Thái Lan – lực lượng lao động không có tay nghề, cơ sở vật chất nghèo nàn và nằm cách xa cảng. Phản ứng ở Trung Quốc là khá mơ hồ và hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng sự dịch chuyển sản xuất sang một nơi khác ngoài Trung Quốc sẽ khó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế chủ chốt, tăng trưởng nhanh nhất và lớn nhất thế giới này.
Không ai muốn chứng kiến cảnh các khoản đầu tư FDI dời sang nước khác nhưng loại hình sản xuất chế biến mà Trung Quốc đang cố gắng thu hút thì không được lý tưởng cho lắm. Đối với chính phủ Trung Quốc, trọng tâm là sản xuất những mặt hàng giá trị cao như chip máy tính, các thiết bị điện tử và ô tô.
Cũng có lo ngại rằng giá cả của Trung Quốc đang leo thang sẽ dẫn tới một hiệu ứng domino đối với vấn đề lạm phát của thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Đối với chính phủ, vấn đề chính luôn là tăng cường tính ổn định, và những khu sản xuất làm ăn phát đạt đang nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa những người dân sống ở các vùng ven biển giàu có với hơn 700 triệu người sống trong đất liền – hơn một nửa dân số của Trung Quốc - sống dưới 1 euro/ngày và như bị tách khỏi câu chuyện thành công của chính đất nước mình.
Chính sách "Hướng tới miền Tây" nhằm khuyến khích di dân sang miền Tây đã khiến chính phủ nước này phải chi 1000 tỷ NDT kể từ năm 2005.
Báo cáo của Ngân hàng Royal (Scotland) cho thấy rằng ảnh hưởng của Việt Nam cuối cùng cũng không đáng kể. Với 84 triệu người, dân số của Việt Nam nhỏ hơn dân số của tỉnh Quảng Đông (93 triệu người) và trong khi những ngành sản xuất thâm dụng lao động có thể di chuyển tới Việt Nam thì những ngành sản xuất thâm dụng vốn sẽ vẫn ở lại Trung Quốc do lợi nhuận thu được vẫn lớn hơn.
Một báo cáo khác về các nhà máy của Trung Hoa đại lục do các chủ Hong Kong sở hữu đã chỉ ra rằng chỉ 14% những nhà máy được hỏi đang xem xét việc chuyển sản xuất sang Việt Nam, trong khi có tới 29% nghĩ rằng họ vẫn ở lại Trung Quốc và chỉ đơn giản là chuyển sản xuất vào trong nội địa – nơi có chi phí mặt bằng và chi phí lao động thấp hơn.
Sự bùng nổ sản xuất của Trung Quốc vẫn còn diễn ra một khoảng thời gian nữa.