Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau an toàn khó bán
20 | 08 | 2008
Thời gian gần đây, giá rau an toàn tại TPHCM rớt thê thảm do không cạnh tranh được với các loại rau thông thường giá rẻ. Hàng loạt hộ trồng rau an toàn rơi vào cảnh khó khăn nên họ phải thu hẹp diện tích trồng rau, chuyển nghề, thậm chí bỏ đất trống. Nếu không có biện pháp kịp thời, chương trình rau an toàn của TP có thể không hiệu quả.
Giá thua cả rau thường

Ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, than thở: Đầu ra đang là nỗi lo của đơn vị. Trước đây, lúc bình thường, các siêu thị ở TPHCM thu mua cả chục tấn/ngày thì nay chỉ còn chưa đến 1 tấn/ngày. Không bán được cho các siêu thị, đơn vị phải mang rau ra chợ bán với giá 1.500 đồng- 2.000 đồng/kg (rẻ hơn cả rau thường) nhưng cũng ít người mua vì mối hàng chê rau không được đẹp, khó tiêu thụ. Trong khi đó, giá thành sản xuất rau an toàn phải từ 2.700 đồng- 3.000 đồng/kg. Tình trạng của HTX rau an toàn Ngã Ba Giồng (Hóc Môn) cũng tương tự. Bình thường, HTX này tiêu thụ khoảng 20 tấn rau an toàn/ngày, nay chỉ còn khoảng 1 tấn. Trong khi giá phân bón, nhân công tăng gấp 2-3 lần so năm ngoái. Ông Nguyễn Hoàng, tổ trưởng liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung, than bình thường bán được 2 tấn/ngày với giá 4.000 đồng/kg cho một siêu thị lớn ở TPHCM, nhưng sau đó họ giảm số lượng chỉ còn hơn một nửa và yêu cầu giảm giá thu mua xuống còn 3.000 đồng/kg nên nhiều hộ trồng rau ngao ngán tìm kế mưu sinh khác.

Nguồn rau an toàn trồng bằng phương pháp thủy canh cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Lê Xuân Hòe, Giám đốc Công ty Kim Xuân Quang (chuyên sản xuất rau an toàn bằng phương pháp thủy canh ở huyện Củ Chi), chua xót: Để trồng được một ký rau muống, dền, cải xanh bằng phương pháp thủy canh phải chi trên 7.000 đồng, nay không bán được cho các mối hàng, phải đem ra chợ bán với giá 2.000 đồng/kg như các loại rau bình thường khác nhưng cũng rất khó bán nên công ty hủy bỏ lượng rau khá lớn...

Theo lý giải từ các siêu thị, nguyên nhân hạn chế thu mua rau an toàn là do mặt hàng này ngày càng bị cạnh tranh quyết liệt hơn từ nguồn rau ở các địa phương khác. Hơn nữa, rau an toàn mẫu mã xấu, giá lại cao nên sức tiêu thụ bị hạn chế.

Rơi rụng dần

Công bằng mà nói, những năm trước TP chỉ có vài ba HTX trồng rau an toàn nhưng vài năm lại đây con số này đã tăng lên gấp 2-3 lần. Theo thống kê, TP có 2.031 ha trồng rau an toàn với trên 4.000 hộ tại 5 huyện ngoại thành. Với sản lượng khoảng 20,34 tấn/ha thì tổng sản lượng đạt 188.039 tấn, đáp ứng được 20% nhu cầu rau của TP... Tuy nhiên, hiện nay do trồng rau an toàn không bảo đảm đầu ra, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao nên người trồng rau an toàn không còn mặn mà với nghề. Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết nhiều hộ trồng rau hiện chỉ sản xuất cầm chừng, giảm mạnh sản lượng; thậm chí không ít hộ bỏ đất trống hoặc chuyển sang trồng lúa, trồng cỏ, nuôi bò. Tình trạng này cũng đang xảy ra ở nhiều HTX rau an toàn khác. Một số HTX còn cho biết gần đây có nhận được một vài đơn đặt hàng mới nhưng số lượng cũng hạn chế, song họ không mặn mà vì không có gì bảo đảm chắc chắn là hàng được tiêu thụ lâu dài. Cũng đang có tình trạng không ít hộ trồng rau an toàn sau nhiều năm đeo bám đã nản lòng do hiệu quả kém nên họ lén lút, thậm chí chuyển hẳn sang trồng rau theo kiểu cũ (tức sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học không đúng quy định kể cả dùng chất kích thích tăng trưởng)...

Theo nhận định từ giới chuyên môn, chương trình rau an toàn của TP được đầu tư gần cả chục năm qua, với diện tích hàng ngàn hecta, không khéo sẽ dần dần rơi rụng.

Cần chính sách hỗ trợ

Đặt vấn đề với một số cơ quan chức năng về các biện pháp phát triển vùng trồng rau an toàn theo chương trình của TP, bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết chương trình trồng rau an toàn được khởi xướng từ năm 1999. TP đã có nhiều chương trình tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trồng rau an toàn. Trong đó, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến từng hộ nông dân để cùng thực hiện các chương trình. Riêng đầu ra vẫn đang là vấn đề nan giải.

Còn theo ông Lê Minh Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT TPHCM, TP đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức trồng rau an toàn cũng như tổ chức một số hội chợ quảng bá rau an toàn... Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chương trình rau an toàn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như sản phẩm phù hợp, đầu ra phải bảo đảm cũng như ổn định lâu dài mới làm cho bà con yên tâm sản xuất. Để giải quyết các vấn đề trên, cần phải có chính sách định hướng lâu dài và đồng bộ. (L.Giang)




Nguồn: vietlinh.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường