|
Ảnh: Beyond. |
Một trong những hướng tìm kiếm phương pháp mới nhằm hạ chi phí sản xuất và tăng hiệu năng của tivi LCD mà hãng Samsung đang tiến hành là việc ứng dụng ống nano carbon. Trung tâm thí nghiệm của họ đã hoàn tất mẫu màn hình LCD 15 inch sử dụng một tập hợp ống nano thay thế cho các dạng nguồn sáng truyền thống như bóng đèn hoặc diode phát quang, để phản chiếu hình ảnh lên màn hình.
Trên thực tế, TV dùng ống nano cũng giống như mô hình tivi dùng ống phóng tia cathode CRT và nhiều chuyên gia tin rằng chúng sẽ đem đến độ phân giải và chất lượng hình ảnh cao hơn TV LCD cũng như màn hình plasma.
Theo Jin Taek Han, một nhà nghiên cứu của Samsung, thiết bị nguồn sáng trong công nghệ màn hình hiện nay là yếu tố gây tốn kém và khi lắp đặt cũng đòi hỏi phải rất cẩn thận. Đèn nền trong một TV LCD 37 inch hiện nay chiếm khoảng 38% chi phí sản xuất thiết bị. Tỷ lệ này là 50% đối với màn LCD 40 inch. Nhiều nhà sản xuất đang cố gắng giảm chi phí nguồn sáng bằng cách chuyển sang công nghệ LED hoặc thử nghiệm kỹ thuật laser. Tuy nhiên, ống nano carbon đã chứng tỏ là giải pháp rẻ tiền hơn cả. Chúng dẫn điện tốt hơn kim loại, chắc hơn thép và có thể phát sáng. Hơn nữa, các hãng chế tạo có thể phát triển ống nano ngay trên lớp chất nền vẫn dùng để "cấy" mạch điện.
Ống nano còn có thể giảm bớt mức tiêu thụ điện năng và cải thiện chất lượng hình ảnh. Một màn hình LCD thông thường phải mất 15 milli giây (15 phần nghìn giây) để hiển thị được một hình ảnh. Trong khi đó, màn hình tinh thể lỏng dùng ống nano làm đèn nền chỉ mất 4 milli giây để làm được điều đó.
Samsung đang cố gắng chế tạo một màn hình LCD nano carbon có độ bền 30,000 giờ. Hãng sản xuất tấm hiển thị tinh thể lỏng lớn nhất thế giới hiện còn thử nghiệm một loại TV nano carbon mà họ gọi là màn hiển thị phát sáng theo vùng FED (field-emitter display). Trong những chiếc TV như thế này, hàng nghìn ống nano sẽ bắn electron lên một màn hình phosphorescent để tạo hình ảnh.
Hiện nay, Toshiba và Canon cũng đang theo đuổi công nghệ màn hình dùng ống nano mà họi gọi là TV SED (surface-conduction electron-emitter display). Hai công ty Nhật Bản này dự kiến sẽ cho ra mắt một số màn hình SED vào cuối năm tới. Tuy nhiên, loại tivi này đòi hỏi phải thay mới dây chuyền sản xuất và điều đó có nghĩa là giá thành sẽ cao hơn, ít nhất là giai đoạn đầu. Một số nhà phân tích cho rằng SED có thể sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường vì giá của LCD và plasma đang giảm nhanh.