Sẽ có một công trình cấp nhà nước đầu tiên nghiên cứu cụ thể về nồng độ asen trong nước giếng và sự ảnh hưởng của nồng độ asen cao đối với sức khỏe dân cư tại tám địa phương đồng bằng Bắc bộ là Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh.
Dấu hiệu nhận biết
PGS.Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải, viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (YHLĐ &VSMT), cho biết kết quả của hai đợt nghiên cứu gần đây nhất cho thấy nhiễm độc asen không còn là nguy cơ tiềm ẩn như đánh giá trước nay, mà nó thật sự là mối nguy hiện hữu, đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thành, trưởng khoa khám bệnh Viện Da liễu quốc gia, cho hay asen ngấm vào cơ thể qua đường uống một cách từ từ, không rầm rộ để người bệnh thấy khác thường mà đi khám ngay.
Theo bà Đặng Thị Minh Ngọc (phòng sinh hóa huyết học Viện YHLĐ và VSMT), phòng sẵn sàng tiếp nhận xét nghiệm xác định về tình trạng nhiễm độc asen trong cơ thể. Mẫu xét nghiệm sẽ được lấy từ tóc hoặc nước tiểu - nơi mà asen tích tụ với hàm lượng lớn, tồn tại lâu.
Nếu gia đình có sử dụng nguồn nước có nồng độ asen cao, lại thấy cơ thể xuất hiện các vết dày sừng theo những mảng lớn (khác hẳn với những vết chai thông thường nhỏ, mỏng), có biến đổi sắc tố da thì cần xét nghiệm ngay. Mỗi mẫu xét nghiệm có giá khoảng 80.000 đồng, sau 3-4 ngày là biết kết quả.
Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết sớm loại nhiễm độc này lại khá đơn giản. Những biểu hiện ngoài da như rối loạn sắc tố (có những chấm nhạt hoặc đậm hơn màu da), dày sừng ở vùng da ít tiếp xúc, không phải chỗ tì nén (giữa lòng bàn tay, lòng bàn chân...) chính là dấu hiệu ban đầu rất đặc trưng của bệnh.
Trong khảo sát của Viện YHLĐ và VSMT tại ba xã Hòa Hậu, Vĩnh Trụ, Bồ Đề tại Hà Nam, 100% những người nghi ngờ bị nhiễm độc asen đều có biểu hiện biến đổi sắc tố da, sừng hóa ở những vùng da ít chịu tì nén, tiếp xúc. Đã có hai trường hợp vùng da sần bị loét, triệu chứng giống với ung thư da. Ngoài ra, tỉ lệ về bệnh lý thai sản (chết lưu, sẩy thai) ở địa phương này cũng cao hơn hẳn so với các vùng khác.
Lập “bản đồ” nhiễm độc
Asen trong nguồn nước sinh hoạt vượt ngưỡng cho phép là căn nguyên sinh ra một loạt bệnh như ung thư da, bệnh về huyết áp, tim mạch, là tác nhân gây ung thư tiêu hóa, ung thư bàng quang... Vấn đề nhiễm độc asen được thừa nhận tại nhiều nước và đã có bằng chứng về sự hiện hữu của loại bệnh này ở nước ta nhưng hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh.
Người bị nhiễm độc asen không thể chữa khỏi dứt điểm, mà chỉ dừng lại ở việc điều trị triệu chứng.
PGS.Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải khẳng định phải có điều tra cụ thể, lập “bản đồ” nhiễm độc asen ở các tỉnh thì mới có được phương án phòng bệnh hiệu quả, ngăn ngừa tiếp xúc với nguồn nước nhiễm asen ở mức cao.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, nồng độ asen trong nước lớn hơn 0,01mg/lít, nghĩa là đã vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hải cho rằng nước sinh hoạt thật sự có nguy cơ nhiễm độc khi nồng độ asen lớn hơn 0,05mg/lít và xét điều kiện cụ thể của Việt Nam, thì nên xem đây mới là mốc đánh dấu nguồn nước có gây nhiễm độc asen hay không.
Tại ba xã Hòa Hậu, Vĩnh Trụ, Bồ Đề có đến 89,1% số giếng được khảo sát có nồng độ asen trên 0,05mg/lít. Tiến sĩ Hải nói nếu ăn uống thường xuyên nước giếng có nồng độ asen trên 0,2mg/lít liên tục thì chỉ sau hai tháng là cơ thể nhiễm độc asen. Vậy mà nghiên cứu tại ba xã trên có đến 27,8% số giếng sinh hoạt có nồng độ asen từ 0,25 mg/lít đến hơn 0,5mg/lít!
Nước giếng trong lo hơn!
Thực tế, ở các vùng nông thôn, nước giếng múc lên vẫn được lọc qua cát để loại bỏ màu vàng đục do sắt sinh ra. Vô tình sau khi qua lọc sắt, có đến 60% nước có thể dùng được vì quy trình lọc sắt đồng thời lọc được một phần asen.
40% còn lại, dù có qua lọc phổ thông vẫn mang nguy cơ nhiễm độc, cần cải tiến bể lọc. Nguy hiểm là những vùng nguồn nước ít sắt, nước giếng không sinh màu vàng nên các hộ dân vô tư sử dụng, không nghĩ đến việc lọc nước bao giờ. Asen vốn trong, không mùi, không vị nên khả năng tự nhận biết là rất hạn chế.
Theo PGS- TS Nguyễn Khắc Hải, những vùng nước giếng trong sẽ phải được ưu tiên nghiên cứu, điều tra sâu xem nồng độ asen trong nước đạt mức nào. Bởi đã có những vùng nồng độ asen lớn nhưng chứa ít sắt, màu nước trong, khiến người dân sử dụng ngay mà không qua lọc. Nguy cơ gây bệnh ra cộng đồng là rất cao, không thể xem thường.