Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để trái cây “nội” vượt hàng rào kỹ thuật “ngoại”
06 | 07 | 2007
Theo TS. Lê Thị Thu Hồng (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), việc truy nguyên nguồn gốc sẽ giúp quản lý chất lượng rau quả tốt hơn.
Thưa bà, ĐBSCL là nơi có nền nông nghiệp đa dạng, Việt Nam gia nhập WTO đem lại nhiều thời cơ và cũng lắm rủi ro cho nông dân sản xuất nhỏ. Theo bà, đâu là những giải pháp để cải thiện chất lượng cây ăn quả cho vùng này?

Có thể nói có 4 nguyên tắc chính của quản lý chất lượng trái cây tươi: Một là, người tiêu dùng quyết định chất lượng, không phải người trồng tự quyết định.

Hai là, quản lý chất lượng (quản lý chất lượng) phải được đặt kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý, không phải tự nhiên chất lượng tốt và an toàn trái cây có ngay được.

Ba là, mọi vấn đề trở ngại đối với chất lượng được xác định rõ ở các mốc sản xuất quan trọng, không phải ở cuối chuỗi sản xuất.

Bốn là, mọi thành viên tham gia trong chuỗi sản xuất và cung ứng trái cây tươi đều có trách nhiệm phần mình đối với chất lượng sản phẩm. Có thể khẳng định được rằng: giải pháp về cải thiện chất lượng là giải pháp cạnh tranh cao nhất, còn gọi là giải pháp về nâng cao chất lượng và quản lý chất lượng.

Mức độ quản lý chất lượng quả hàng hóa mà ta cần thực hành sẽ tùy thuộc vào sự sắp xếp của thị trường và những nguy cơ tiềm ẩn theo đó sản phẩm có thể gây ra vấn đề an toàn thực phẩm. Thưa bà, đâu là logic của vấn đề này?

Tính logic của quản lý chất lượng quả hàng hóa là xây dựng được sản phẩm có chất lượng đúng ở từng giai đoạn của sản xuất như mong muốn. Và vì vậy, sự thực hành việc “truy nguyên nguồn gốc” luôn giúp ta quản lý chất lượng tốt hơn, và cũng là điều đặc biệt quan trọng trong chứng nhận tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt).

Phương pháp quản lý chất lượng hiệu quả luôn phải làm cho khách hàng thấy rõ có chứng cớ chính xác: phải có những sổ ghi chép cho thấy sản phẩm được thực hành sản xuất ra sao, được xử lý thế nào trong dây chuyền sản xuất và phân phối. Hệ thống quản lý chất lượng quả của Việt Nam cũng phải nhắm đến giảm được giá thành, giá bán mà người nhập vào sẽ thu mua với chất lượng như đã công bố.

Do đó có thể thấy, chiến lược, phương pháp cho một hệ thống quản lý chất lượng quả để xuất khẩu rõ ràng là một thách thức của ngành. Đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm chung chung chưa đủ mà phải phù hợp với yêu cầu chất lượng thương mại của sản phẩm ở thị trường mà Việt Nam muốn thâm nhập, và vì vậy mới có cơ hội vượt qua các hàng rào kỹ thuật Việt Nam phải đối mặt khi đã hội nhập WTO.

Xin bà có thể nói rõ hơn về những khía cạnh an toàn thực phẩm (những nguy cơ) của chất lượng trái cây?

Quản lý chất lượng ở giai đoạn thu hoạch và sau thu hoạch luôn được quan tâm cụ thể để quản lý ở mọi khâu, như: thu hoạch, nhập kho và đóng gói, rửa trái, xử lý thuốc, bọc sáp, làm khô, phân loại, đóng gói, dán nhãn, phân bổ và tồn trữ. Đảm bảo được hệ thống chuỗi như vậy sẽ góp phần giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.

Có thể hình dung mối nguy hại (khía cạnh an toàn thực phẩm) làm cho thực phẩm bị nhiễm độc và thất thoát kinh tế như sau: người vận hành thiếu kiểm tra sức khỏe dẫn đến sự tạp nhiễm (thiếu kiểm tra vệ sinh, môi trường...), dẫn đến nhân nhanh vi sinh vật, tạp nhiễm, dẫn đến thất thoát kinh tế, nhiễm độc.

Vì vậy, cần phân tích thật kỹ lưỡng các nguy cơ về an toàn thực phẩm quả tươi, qua đó có thể chủ động phòng tránh hoặc khắc phục những mối nguy tiềm ẩn về an toàn thực phẩm. Có 4 bước, đó là: đánh giá nguy cơ; nhận diện nguy cơ: tính chất, đặc điểm, kết luận ban đầu; quản lý nguy cơ và thông tin các nguy cơ.

Hiện nay, các thị trường cao cấp đang rất quan tâm và quy định rõ về các chất độc vô cùng nhạy cảm trong hàng rau, quả gồm: nitrat, chất độc do nấm, kim loại nặng, 3- MCPD, dioxin...

Xin bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này bởi trong thực tế, không nhiều người trồng quả hiểu được và hiểu rõ khái niệm này?

Truy nguyên nguồn gốc sản phẩm là yếu tố quan trọng cho quản lý an toàn thực phẩm ăn tươi, như rau, trái cây... Việc truy nguyên nguồn gốc của một sản phẩm phải làm được ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình sản xuất. Và tất nhiên hệ thống để truy nguyên nguồn gốc và phương pháp thực hiện ra sao trong quá trình sản xuất phải đều rõ ràng.

Khi một sản phẩm bị phát hiện có vấn đề về an toàn vệ sinh và chất lượng sẽ được truy nguyên để có biện pháp giải quyết ngay nhằm giảm thấp nhất mối nguy hại cho sức khỏe con người; và tất nhiên là phải loại bỏ ngay lập tức mặt hàng đó ra khỏi thị trường.

Bởi lẽ, khi nói đến sản xuất an toàn hay một thực phẩm an toàn là nói đến hệ quả của cả một quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”, “từ vườn đến miệng”. Vì vậy, mỗi tác nhân tham gia trong quá trình sản xuất đều phải nắm rõ cả dây chuyền và ít ra là ai đã chuyền tới cho mình, mình sẽ chuyền cho ai... trong chuỗi cung ứng sản phẩm?

Người ta gọi phương pháp tiếp cận để truy nguyên là “một bước lùi, một bước tới”. Và nhờ vậy, sản phẩm mới truy nguyên được rõ ràng.



Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường