Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÌnh Định: Mô hình nuôi cua xanh sinh sản nhân tạo thành công
07 | 12 | 2008
Bên cạnh con tôm, cua xanh là loài động vật giáp xác biển có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon giàu chất dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Trước tình hình dịch bệnh tôm ngày càng diễn biến phức tạp, phong trào nuôi cua ngày một phát triển.Việc nuôi cua thương phẩm từ nguồn cua giống nhân tạo đảm bảo chất lượng đang góp phần phát triển nghề nuôi cua thương phẩm tại địa phương, nâng cao đời sống cho người dân theo hướng ổn định và bền vững.

Được sự hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thủy sản Bình Định, tháng 5/2008 trên diện tích ao 5.000 m2, ông Võ Bình Tâm (khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn) thả nuôi 5.000 con cua xanh - loại cua giống đủ tiêu chuẩn nuôi thương phẩm có kích cỡ thân từ 2 - 3 cm. Đây là giống cua xanh được cho sinh sản nhân tạo tại Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (thuộc Trung tâm khuyến ngư và kỹ thuật thủy sản Bình Định), và được đưa về ương tại địa phương.

Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật khuyến ngư, ông Tâm tháo cạn nước, gia cố bờ ao và bón vôi CaO với lượng bón khoảng 6kg/100m2 và phơi nắng 10 ngày cho đáy ao đến khi nứt nẻ. Tạo chỗ trú ẩn cho cua bằng thả chà, là các loại cành cây như: bần, đước... được phơi khô và bó lại thành bó hoặc bằng lá dừa để tạo nơi trú ẩn và tạo bóng mát cho cua, tránh cua ăn nhau trong giai đoạn lột xác. Các chỉ tiêu về môi trường ao nuôi khi bắt đầu thả giống là: Chất đáy bùn cát, pH nước: 7,8, Độ mặn nước: 15 0/00 . độ sâu mực nước từ đạt khoảng 1 m. nước được lấy vào ao nuôi qua 2 sa lưới chắn, theo nước thủy triều cao nhất. Sau đó, ông tiến hành gây màu nước băng phân urê: 2kg/100m2. NPK (20:20:0): 2kg/100m2 và phân gà để bón cho ao. Phân được hòa tan với nước ngọt, tạt xuống ao vào buổi sáng.

Nguồn giống là nguồn cua sản xuất nhân tạo, cua bột có kích thước 0.5-0.7cm được ương trong giai đặt trong ao đất lên giống 2-3cm, chất lượng tốt, đủ các phần phụ và mạnh khỏe, đồng cỡ, màu sắc tươi sáng, không bệnh tật. Mật độ thả: 1con /m2.

Về chăm sóc cho ăn, ông Tâm sử dụng thức ăn tươi sống như: các loại cá giã cào và các loại cá tạp nước lợ,... rửa sạch hấp chín để diệt mầm bệnh. Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày được chia làm từ 2- 4 lần tuỳ theo kích cỡ cua nuôi, lượng cho ăn buổi tối nhiều hơn buổi sáng. Thức ăn được rải đều trong ao tránh cua tranh nhau thức ăn. Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4–6% tổng khối lượng cua trong ao, lượng thức ăn sử dụng tùy kích cỡ, giai đoạn phát triển của cua và thời tiết, môi trường nuôi mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vào giai đoạn lột xác hay trời mưa, lạnh, cua giảm ăn, ông Tâm cũng giảm lượng thức ăn cho ăn nhằm tránh gây lãng phí, ô nhiễm nước. Ông Tâm còn dùng 2 sàng ăn để kiểm tra hiệu quả sử dụng lượng thức ăn cho ăn hàng ngày của cua nuôi trong ao.
Vì cua sử dụng thức ăn là cá tạp nên việc thường xuyên theo dõi môi trường nước ao nuôi, quản lý chăm sóc quá trình sinh trưởng, phát triển của cua nuôi luôn được ông Tâm chú trọng.

Ông Tâm Ông nói: “Trước khi nhận thực hiện mô hình, dù đã xác định trước nhưng tâm lý tôi cũng hơi lo vì nhiều bà con xung quanh nói rằng cua giống nhân tạo khi nuôi thì không lớn quá 250 g/con và cua cái không cho gạch. Tôi dự định nuôi trong 5 - 6 tháng, cua sẽ đạt trọng lượng 300 g/con, nhưng mới hơn 3 tháng đã đạt trên 350 g/con. Loại cua giống sinh sản nhân tạo có độ đồng đều cao, lớn nhanh, sạch bệnh. Những lúc bị ảnh hưởng bởi ấp thấp nhiệt đới, hay nước thải từ sản xuất nông nghiệp của vùng lân cận, tôi phải tiến hành bón vôi và thu tỉa, kết quả cho thấy số cua trong ao vẫn sống được và phát triển tốt. Khi nguồn nước ổn định thì cua rất nhanh lớn, lột vỏ liên tục, chứ không như cua giống bắt nuôi từ tự nhiên, khi có con nước lên mới lột xác một lần. Mùa nuôi là mùa nắng nóng không phải chính vụ, cua dễ mắc bệnh teo cơ, nhưng ở đây không có. Sau gần 6 tháng nuôi, cua đạt tỷ lệ sống trên 60%,năng suất đem lại gần 1,2 tấn cua/ha, nếu tính giá 80.000 đồng/kg cua thương phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi hơn 30 triệu đồng”.

Ông Trần Ngọc Hiền - Phó chủ tịch UBND phường Nhơn Bình cho biết: “Cả phường có 243 ha ao đìa nuôi trồng thủy hải sản. Trong những năm gần đây, do môi trường nước bị ô nhiễm, nuôi tôm bị dịch nhiều, nên mô hình nuôi cua từ nguồn giống nhân tạo của ông Tâm rất có hiệu quả, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới”.

Có được sự thành công của mô hình nói trên, đó là sự trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật của CBKT Tỉnh, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình và chủ hộ thống nhất đề ra kế hoạch trong quá trình sản xuất, nghiêm chỉnh thực hiện phương án kỹ thuật do Trung tâm Khuyến ngư đưa ra. Trước khi thả cua giống, Trung tâm Khuyến ngư đã phối hợp địa phương tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật Nuôi cua thương phẩm cho hơn 30 hộ nuôi. Hàng tháng cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra xem tốc độ phát triển của cua và môi trường nước trong ao, đồng thời trực tiếp hướng dẫn cho chủ hộ nuôi cua cách chăm sóc quản lý cho ao nuôi. Để bà con nuôi trồng nắm vững các ưu điểm và kỹ thuật của việc ương nuôi cua thương phẩm từ nguồn giống nhân tạo, Trung tâm Khuyến ngư đã tiếp tục tiến hành tổ chức hơn 2 lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ tại địa phương.

Những kinh nghiệm rút ra là nên chọn giống sản xuất nhân tạo có chất lượng tốt, được ương ngay tại địa phương, nơi có điều kiện môi trường giống như trong ao nuôi thương phẩm, ưu điểm là có thể xác định được tỉ lệ sống sau ương, chất lượng con giống, từ đó có thể giám sát kỹ sự phát triển của đàn cua trong ao nuôi thương phẩm. Trong khâu chuẩn bị ao, việc cải tạo không đòi hỏi nhiều chi phí như ao nuôi tôm, việc quan trọng là lựa chọn địa điểm nuôi tăng lượng chà trong ao để có chỗ trú ngụ cho cua, giảm tỷ lệ hao hụt, đào nhiều rãnh khắp đáy ao, có thả chà, độ mặn trong khoảng 15 – 25 ‰, cho cua ăn thức ăn có chất lượng tốt.

Qua đó, bà con đã thấy rõ những ưu điểm của nguồn cua giống được sản xuất nhân tạo là sự chủ động về số lượng cung cấp và chất lượng đảm bảo, cua có kích cỡ đồng đều, hạn chế được sự phân đàn, qua đó giảm được chi phí, kiểm soát và hạn chế được dịch bệnh, giảm được áp lực lên nguồn cua giống tự nhiên, bảo vệ sinh thái, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.Tạo được niềm tin cho bà con nông dân, yên tâm khi nuôi cua từ nguồn giống nhân tạo, qua đó góp phần đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.



Nguồn: TT Khảo nghiệm & NCƯD kỹ thuật TS Bình Định
Báo cáo phân tích thị trường