Ông Đỗ Lai Luật, Trưởng phòng Công thương huyện Quốc Oai cho rằng, tính riêng Quốc Oai có tới 80% dự án thuộc nhóm được tiếp tục triển khai nhưng phải điều chỉnh quy hoạch. Theo ông Luật, các doanh nghiệp đang mắc phải khó khăn rất lớn là không biết phải điều chỉnh nội dung như thế nào để phù hợp với quy hoạch. Cơ quan cấp trên không nói rõ quy hoạch không phù hợp ở điểm nào. "Chúng tôi là các cơ quan chuyên môn cấp dưới cũng chỉ biết thế, không có cách gì tháo gỡ giúp các doanh nghiệp", ông Luật cho biết.
Cũng theo ông Luật, chính việc quy hoạch không đồng đều giữa các huyện của Hà Tây cũ sau khi sáp nhập Hà Nội trong năm qua cũng là một trong những lý do quan trọng khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hà Nội xếp thứ 31/63.
Nhiều dự án hay đồ án quy hoạch thuộc chuỗi đô thị, khu công nghiệp nằm trong địa phận Hà Tây cũ đã được công bố từ lâu nhưng đến nay thực hiện chưa đáng kể. "Điều này dẫn đến ách tắc trong việc giải quyết một số vấn đề về đất đai và làm giá bất động sản giảm tới hơn 30%", ông Luật chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội (HUD) cho rằng, cần đẩy mạnh việc rà soát lập kế hoạch đẩy nhanh tiến độ dự án ở Hà Tây. "Nhiều dự án ở địa phận Hà Tây cũ rất khó khăn về thủ tục hành chính. Khâu rà soát chậm dẫn đến dự án không đúng tiến độ ảnh hưởng đến nhà đầu tư", ông Hùng lo ngại.
Sắp tới, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội sẽ phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường thống kê lại các dự án cần rà soát để phát triển đồng đều các đô thị trong phạm vi mở rộng thủ đô. Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, năm nay Sở sẽ tập trung hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh, hoàn thiện các dự án để thẩm định trình Ủy ban thành phố phê duyệt.