Cụ thể, là vai trò của ngành tài chính ngân hàng, hải quan, đây là những cơ quan trực tiếp giải quyết chính sách cho các doanh nghiệp, là cầu nối đưa chính sách của nhà nước đến với doanh nghiệp. Gói kích cầu thực sự có tác dụng hay không phần lớn phụ thuộc vào những ngành quản lý này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các khâu hành chính của ngành tài chính ngân hàng và hải quan vẫn còn khá rườm rà nên đôi khi doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Bên cạnh đó, những tháo gỡ của Chính phủ để đẩy nhanh thời gian giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp vẫn có chậm trễ, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thật sự phát huy được năng lực của mình. Nhiều doanh nghiệp phải tự tìm ra giải pháp cứu mình trước khi nhận được sự hỗ trợ bằng cách tập trung vào sản xuất các sản phẩm có thế mạnh và tích cực giảm chi phí để chờ đợi cơ hội. Song trong giai đoạn này những nỗ lực của doanh nghiệp để sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có sức cạnh tranh cao là chưa đủ. Chính sách hỗ trợ gói kích cầu của nhà nước vào lúc này là rất đúng và kịp thời, chỉ có điều làm sao để chuỗi xử lý công việc liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời hơn, nhanh hơn để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tăng thêm năng lực cạnh tranh, không đánh mất cơ hội kinh doanh, khi các đơn hàng xuất khẩu yêu cầu thời gian giao hàng chỉ từ 10 ngày đến 2 tuần, thay vì 3 tuần như trước đó.
Thiết nghĩ, đây là những đề nghị hoàn toàn chính đáng của các doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, có doanh nghiệp đang khó khăn về vốn, nhưng mang bộ hoá đơn, chứng từ xuất khẩu xin hoàn thuế giá trị gia tăng tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ, thì cơ quan thuế địa phương lại không giải quyết vì họ cho rằng văn bản chưa có hiệu lực... Với những câu trả lời như thế thì doanh nghiệp chỉ có nước “bó tay” ngồi chờ chết.
Vì vậy, xét đến cùng vẫn là vai trò của cán bộ công chức trong giải quyết các thủ tục đưa gói kích cầu của Chính phủ đến với doanh nghiệp là rất quan trọng, người cán bộ phải thật sự nhận thức được vai trò của mình thì doanh nghiệp mới được nhờ và gói kích cầu của Chính phủ mới thực sự có tác dụng. Việc phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm từ các công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp là rất cần thiết, không chỉ trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhắc nhở các bộ, ngành được doanh nghiệp quan tâm như Tài chính ngân hàng, Hải quan, “khi giải quyết công việc cho các doanh nghiệp phải có tinh thần khẩn trương, hiệu quả và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp không tốn thêm một thời gian, công sức, cũng như có thêm lực duy trì sản xuất trong tình hình khó khăn như hiện nay”. Hãy thử hình dung, nếu không có doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý, trong đó có Tài chính, Ngân hàng, Hải quan sẽ phục vụ ai?”. Hy vọng, mỗi cán bộ công chức của các cơ quan quản lý nhà nước đều hiểu hết trách nhiệm của mình.