Kết quả là dịch rầy nâu được khống chế nhanh và vịt đàn chạy đồng cũng phát triển từ đó. Sự có mặt của đàn vịt trên đồng ruộng là hỗ trợ quan trọng cho việc canh tác lúa an toàn suốt hàng chục năm qua. Nhưng chỉ sau hơn ba năm bị cúm gia cầm, đàn vịt chạy đồng vừa bị triệt hạ xong thì rầy nâu đã bùng phát trở lại, và hiện tại do chủ trương khống chế dịch cúm gia cầm nên nước ta không cho phát triển đàn vịt chạy đồng, từ đó có tác động tiêu cực đến dịch rầy nâu và những bệnh do chúng lan truyền.
Về mặt quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp thật khó gắn kết giữa trồng lúa và chăn nuôi vịt chạy đồng trong tình hình hiện nay, nên tỏ ra lúng túng trước những việc làm tự phát của nông dân trong việc xuống giống sớm, làm lúa vụ ba hay khôi phục đàn vịt chạy đồng tự phát.
Ngành nông nghiệp cũng không đề cập đến vai trò của vịt chạy đồng trong việc khống chế rầy nâu và nhiều loại sâu rầy khác trên lúa trong nhiều năm qua. Điều này đáng được thông cảm nhưng xem ra đã đến lúc cần đánh giá đúng tình hình thực tế của từng loại dịch bệnh, để xác định mối nguy hiểm trực tiếp cần đối phó và chọn những giải pháp khả thi, an toàn để vận dụng chỉ đạo sản xuất phù hợp khoa học và hiệu quả hơn.
Thực tế dịch rầy nâu ở đồng bằng sông Cửu Long và các bệnh kèm theo đang rất khó kiểm soát. Các giải pháp sử dụng giống kháng rầy, dùng hóa chất hay biện pháp canh tác... chưa thể phát huy tác dụng ngay và cũng khó có thể khống chế được dịch bệnh đang trong xu thế phát triển lan rộng.
Trong khi đó, dịch bệnh cúm gia cầm ở nước ta đã được khống chế tốt, đa số người dân đã có ý thức và biết ứng phó kịp thời, sẵn sàng chấp hành chủ trương tiêu hủy khi tình huống cấp bách. Đàn gia cầm cũng đã được tiêm ngừa khá tốt. Theo tôi, nên cho phát triển đàn vịt chạy đồng có kiểm soát chỉ trong thời gian nhất định, trong những khu vực, vùng không gian cần thiết để khống chế rầy nâu một cách chủ động và khoa học.