Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EU: Yêu cầu nhãn hiệu CE với gỗ xây dựng
07 | 08 | 2007
Theo Liên đoàn gỗ cứng châu Âu (EHF), tất cả các loại gỗ xẻ dành cho xây dựng đều phải có nhãn hiệu (dấu) chứng nhận CE kể từ 1/9/2007.

Dấu CE được coi như sự đảm bảo của các nhà sản xuất, chế biến gỗ xây dựng cho các sản phẩm của mình đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về tiêu chí an toàn, sức khỏe và bảo vệ môi trường trong thị trường châu Âu.

Qui định này hiện thời chỉ mới bắt buộc áp dụng cho các sản phẩm panel và sàn gỗ. Sau đó, tất cả các loại gỗ dùng cho xây dựng được sử dụng tại châu Âu không kể nguồn gốc đều phải có dấu CE, cùng với tiêu chuẩn châu Âu EN14081 và phân loại theo tiêu chuẩn cơ học.

Với qui định mới này, các loại gỗ xẻ bao gồm cả gỗ nhiệt đới sẽ được kiểm tra độ bền (theo tiêu chuẩn EN 284), nếu đáp ứng sẽ được đóng dấu CE. Nhưng việc kiểm tra này chỉ thực hiện với một vài loại gỗ nhiệt đới tại Vương quốc Anh và Hà Lan theo phân loại cơ học như: iroko, jarrah (D40); keruing, merbau, opepe (D50); azobe, ekki, kampas, kapur (D60); and balau (D70). Theo Nhóm cố vấn thương mại (TAG) của ITTO các yêu cầu này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ gỗ nhiệt đới tại châu Âu và sẽ trở thành một rào cản thương mại vì ba lí do.

Trước tiên, sự đa dạng về chủng loại gỗ nhiệt đới so với gỗ ôn đới đòi hỏi tăng cường việc thử nghiệm với quy mô và chi phí cao hơn . Thứ hai, qui định mới sẽ giới hạn việc phát triển sản phẩm gỗ nhiệt đới tại thị trường châu Âu. Cuối cùng, việc kiểm tra chỉ có thể thực hiện bởi các phòng nghiên cứu, đánh giá của châu Âu, giúp cho các nước có nền kinh tế mạnh sẽ hạn chế các sản phẩm gỗ nhiệt đới và gia tăng khối lượng sản xuất của nước mình. Trong khi đó, các nước có nền công nghiệp gỗ nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì phải đáp ứng đầy đủ các qui trình để được đóng dấu CE với tài chính hạn hẹp.



Theo ITTO
Báo cáo phân tích thị trường