Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch
08 | 05 | 2009
Ngày 7.5, tại TP.Long Xuyên, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NNPTNT) kết hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển thủy lợi bền vững cho vùng nuôi cá tra trọng điểm ĐBSCL.


Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện người nuôi cá tra vùng ĐBSCL đều có chung nhận định: Nghề nuôi cá tra đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa đến chất lượng nguồn nước phục vụ cho vựa lúa của cả nước và nhu cầu sinh hoạt của hơn 20 triệu dân ở 13 tỉnh, thành.

Bởi 9 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh) đều tổ chức nuôi cá dọc sông Hậu, sông Tiền - là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho toàn vùng, hiện đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do nước thải nuôi cá.

Theo định hướng phát triển đến năm 2020, diện tích nuôi cá toàn vùng tăng lên 13.000ha để đạt sản lượng 1,85 triệu tấn cá nguyên liệu (740.000 tấn philê), kim ngạch xuất khẩu từ 2,1 - 2,5 triệu USD, cơ sở sản xuất và ươm con giống tăng lên 2.010 đơn vị để đạt sản lượng cá giống khoảng 6.000 triệu con.

Trong khi đó, việc đầu tư và vận hành hệ thống xử lý chất thải (lỏng và rắn) của các ngư dân chưa nhiều và chưa đều mà phần lớn chỉ vận hành máy móc xử lý khi có sự xuất hiện của các đoàn kiểm tra. Thông thường, họ xả thẳng chất thải ra sông Tiền, sông Hậu nên bản thân con cá tra cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch.

Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, bên cạnh việc xác định trách nhiệm của địa phương trong việc tăng cường vận động người nuôi nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng theo hướng dành 50% diện tích làm ao lắng lọc nước nuôi cá, ao xử lý nước thải và vùng xử lý chất thải rắn bùn đáy ao, Nhà nước cần đầu tư cho giải pháp thủy lợi và có chính sách hỗ trợ việc xử lý môi trường kịp thời, thích ứng với định hướng chăn nuôi.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường